5 đội tuyển tranh tài ở hội thao, gồm: Sư đoàn Không quân 370, 371, 372; Trường Sĩ quan Không quân và Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không – các lực lượng dày dạn kinh nghiệm, đặc biệt từng tham gia tìm kiếm máy bay MH370 mất tích và nhiều chiến dịch cứu hộ, cứu nạn đáng chú ý của Việt Nam.
Khai mạc Hội thao Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường không
Báo Phòng không – Không quân cho biết, Hội thao Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường không đã khai mạc tại Trung đoàn 916, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK- KQ) ở Sơn Tây, (Hà Tây cũ), Hà Nội.
Hội thao Tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/8. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo hội thao.
Các đại biểu và ban giám khảo nghe hướng dẫn lịch trình thi của các đội.
© Ảnh : TTXVN - An Văn Đăng
Dự Hội thao có Thiếu tướng Lã Đại Phong - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu; Thiếu tướng Bùi Thiên Thau - Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thao; thủ trưởng cơ quan và một số phòng, ban chức năng Quân chủng Phòng không Không quân.
Thiếu tướng Bùi Thiên Thau, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết, hội thao nhằm kiểm tra trình độ, năng lực phi công, tổ bay tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường không.
Đây cũng là dịp đánh giá thực lực, trang bị, phương tiện, công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đường không của các đơn vị trong Quân chủng khi có tình huống, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nâng cao nhận thức về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu nạn.
Tướng Thau lưu ý, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, hạn hán, cháy nổ gia tăng.
Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân xác định tìm kiếm cứu hộ cứu nạn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên thời bình.
Lực lượng luôn sẵn sàng cơ động thực hiện nhiều chuyến cứu hộ cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, như thả hàng cứu trợ trong bão lũ, cấp cứu ngư dân từ Trường Sa về đất liền, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Bài thi khó và phần trình diễn ngoạn mục
Dự hội thao có 5 đội tuyển đến từ các trung đoàn trực thăng thuộc các sư đoàn 370, 371, 372, Trung tâm Quốc gia Huấn luyện và Tìm kiếm cứu nạn đường không (Bộ Tham mưu) và Trường Sĩ quan Không quân.
Được biết, đây là những đơn vị dày dạn kinh nghiệm, từng tham gia nhiều chiến dịch cứu hộ, cứu nạn nổi tiếng của Việt Nam. Họ là lực lượng tinh nhuệ từng được Việt Nam cử tham gia tìm kiếm máy bay MH370 mất tích, tàu Vietship01 mắc nạn ở cảng Cửa Việt (Quảng Trị) hay cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 (tại Thừa Thiên Huế).
Các đội tuyển tham gia tranh tài ở 2 phần thi lý thuyết và thực hành. Trong đó, về nội dung lý thuyết, theo báo PK-KQ, có nội dung xây dựng và báo cáo kế hoạch tìm kiếm cứu nạn; những kiến thức cơ bản về phương pháp tìm kiếm cứu nạn.
Đối với nội dung thực hành, Tổ bay tìm kiếm, cứu nạn và Đội tìm kiếm, cứu nạn các đơn vị thực hiện bay cẩu vớt người bị nạn (mỗi Tổ, Đội thực hiện hai nội dung bay cẩu 150kg và cẩu 300kg trên máy bay Mi -171 SAR).
Hội thao giúp Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đánh giá kết quả công tác huấn luyện bay tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đường không và đề ra nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng huấn luyện khoa mục bay tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn; nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Sau lễ khai mạc, các nội dung hội thao được triển khai theo đúng kế hoạch. Phần mở màn, tình huống giả định trong trận không chiến với địch, máy bay trúng đạn hỏng động cơ không thể về nơi hạ cánh an toàn. Hai phi công nhận lệnh từ Sở chỉ huy nhảy dù đáp xuống mặt nước.
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Thế Mạnh và Đại úy Tăng Bá Trung thực hành tình huống giả định: hai phi công mang đầy đủ trang bị bay, trang bị cứu sinh nhảy dù có điều khiển thoát hiểm tiếp nước, sử dụng các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn.
Sau khi cắt dây dù tiếp nước, phi công sử dụng các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn báo hiệu vị trí để trực thăng tới giải cứu.
Ở nội dung thi tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn, trực thăng phải tiếp cận được vị trí của người bị nạn, quan trọng nhất là kỹ thuật bay treo, nhằm cố định trong không trung ở độ cao nhất định.
Bay treo được xem là bài thi khó nhất của cuộc thi bởi trực thăng phải bay cố định trong không trung ở độ cao nhất định.
Trực thăng tiếp cận vị trí người bị nạn và bay treo để nhân viên cứu hộ tiếp cận, cẩu vớt lên.
Bài bay này được dành cho phi công dạn dày kinh nghiệm, hiểu địa hình lẫn thời tiết, hiệp đồng nhuần nhuyễn với tổ bay cùng lực lượng cứu hộ khác. Các phi công đã phải luyện tập kỹ thuật này trên mọi địa hình.
Mỗi tổ, đội sẽ bay cẩu 300kg và cẩu 150kg trên máy bay Mi-171 SAR. Tại hồ Đồng Mô, tổ bay và đội cứu nạn phối hợp giải cứu. Cơ trưởng sẽ ra tín hiệu bắt đầu nhiệm vụ khi máy bay vào vị trí gần nhất với người bị nạn.
Máy bay trang bị tời với sức kéo 300kg, trong tình huống đưa người xuống để cứu người bị nạn, tời sẽ kéo cùng lúc hai người lên.
Rèn luyện cả ngày lẫn đêm
Cuộc diễn tập đã kết thúc thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện và các loại thiết bị.
VnExpress dẫn lời Đại tá Ngô Sỹ Minh, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu, đánh giá, bài thi cẩu vớt nạn nhân trên mặt nước được xây dựng sát thực tế, phù hợp tình hình khí hậu, thời tiết Việt Nam, nhất là mùa mưa bão.
Nội dung hội thao đồng thời được sàng lọc qua nhiều lần huấn luyện trước cùng tham khảo thực tế tìm kiếm cứu nạn của không quân các nước trong khu vực và thế giới.
Yêu cầu với các đội thi là đạt trình độ cơ bản và nâng cao độ tinh nhuệ khi làm nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối con người lẫn khí tài quân sự.
Điểm thi căn cứ vào thời gian tiếp cận nạn nhân nhanh nhất, trạng thái của trực thăng lẫn tổ bay, thao tác của các đội khi thực hành. Ban tổ chức đánh giá sơ bộ kết quả các tổ đội hoàn thành phần thi từ khá trở lên.
Ông Ngô Sỹ Minh cho biết, trong hội thao, lực lượng được báo trước kế hoạch, điều kiện khí tượng, địa hình. Còn thực tế công tác cứu hộ có thể diễn ra ở bất kỳ điều kiện ngày đêm và chịu tác động lớn của khí hậu, thủy văn.
Không quân vì thế phải rèn luyện thường xuyên để con người lẫn phương tiện thích ứng mọi hoàn cảnh.