Bộ trưởng Diên: EVN lỗ không phải vì điều hành giá điện bất cập

Nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng, điều hành giá điện hiện nay còn nhiều bất cập và đây có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện Việt nam hơn 47.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.
Sputnik
Cử tri cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lý giải thêm về cách tính giá điện 5 bậc hay việc người dân tiêu thụ điện và trả tiền cho EVN lại còn phải chịu mức thuế 10% VAT.
Ngoài ra, tư lệnh ngành Công Thương cũng thông tin về việc hiện có một số cán bộ quản lý thị trường bảo kê người có hành vi sai phạm.

Thua lỗ của ngành điện do đâu?

Tại Phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21-8, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên rằng, cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng việc điều hành giá điện có nhiều bất cập và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện hơn 47.000 tỷ đồng trong năm 2022 và năm 2023.
Trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không có chuyện điều hành giá điện có nhiều bất cập gây thua lỗ cho ngành điện. Ông nêu rõ Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản gồm quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách và thanh tra, kiểm tra.
Exxon Mobil khiến dự án Cá Voi Xanh của Việt Nam trì trệ
“Chúng tôi tự thấy trong tham mưu xây dựng chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện thực hiện tuân thủ theo luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực, Luật Giá. Theo đó, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời.
Về đầu vào, Bộ trưởng Diên cho hay hiện nay EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện, cung ứng điện, bảo đảm an ninh điện quốc gia nên “phải mua theo cơ chế thị trường”, đầu ra phải đảm bảo bình ổn giá.
“Giá điện có liên quan, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác. Điều này dẫn tới có sự chênh lệch giữa giá đầu vào và đầu ra”, Bộ trưởng nói.
Ông Diên nhắc đã có lần báo cáo với Quốc hội, chênh lệch giá mua vào và bán ra của EVN đã khoảng 208 - 216 đồng/kWh.
Để rà soát, sửa đổi cơ chế nhằm giúp EVN không thua lỗ trong tương lai, Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới đây.
Việc sửa đổi theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện; tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện, trong đó có giá sản xuất, điều độ và vận hành hệ thống điện…
Bổ nhiệm Chủ tịch công ty 776 tỷ vừa tách khỏi EVN
Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đã có quyết định về việc đưa Trung tâm điều độ A0 về trực thuộc Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc vận hành, điều độ hệ thống điện, giữa các đơn vị phát điện và sử dụng điện.
Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn, đồng thời chuẩn bị ban hành nghị định khuyến khích về phát triển điện mặt trời áp mái. Những việc này từng bước làm thị trường điện hoàn hảo hơn.
“Hiện nay thị trường phát điện cạnh tranh, mua điện cạnh tranh đã thực hiện tương đối tốt, còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện trong dự Luật Điện lực và sửa đổi các quy định hiện hành”, Bộ trưởng chia sẻ.

Dân chịu 10% VAT tiền điện là chưa hợp lý?

ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho hay, tình hình cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng tiến bộ rõ rệt.
Điều này là thành quả rất tốt, không giống năm 2023 thiếu điện cục bộ khiến nhân dân bức xúc.
Tuy nhiên, ông cho rằng, cách tính giá điện bậc thang hiện chưa phù hợp với nhu cầu của người dân khi bậc 1 chỉ tới 50kwh cho sinh hoạt. Hơn nữa, người dân tiêu thụ điện và trả tiền cho EVN lại còn phải chịu mức thuế 10% VAT là chưa hợp lý.
Ông mong Bộ trưởng lý giải thêm việc này, liệu có miễn thuế VAT được không và nâng mức ở thang bậc 1 từ 50kwh lên 100kwh cho người tiêu dùng hay không.
Động thái mới nhất của Bộ Công an liên quan đến "đại án" ở Bộ Công Thương
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của các quốc gia, nhằm giúp khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường, vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn.
Ở Việt Nam, theo Quy định 28 năm 2014, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm có 6 bậc. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian vừa qua, Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi, bổ sung quy định này.
Theo đó, trong dự thảo vừa trình Chính phủ, thang từ 6 bậc giảm còn 5 bậc và bậc 1 nâng từ 0-50kwh lên 0-100kwh.
“Như vậy, kiến nghị đã được tiếp thu, trình Chính phủ đúng như đại biểu mong muốn. Mục tiêu nhằm hỗ trợ người nghèo, đồng thời giữ được mức hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn từ NSNN ở số điện lên đến 30kWh”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh quy định còn nhằm dần xoá khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện. Một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Đối với thuế VAT trong hoá đơn tiền điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ:
“Theo tôi hiểu thì đây là quy định của Luật Thuế để đáp ứng với mọi hàng hoá, dịch vụ khi giao dịch. Cho nên có bỏ được thuế này trong hoá đơn tiền điện hay không thì Bộ trưởng Bộ Tài chính giúp tôi trả lời điểm này rõ hơn”, ông Diên nhấn mạnh.
Bộ Công Thương kiểm tra loạt ông lớn kinh doanh xăng dầu, có cả đại gia Hải Linh

Cán bộ quản lý thị trường bảo kê sai phạm?

Về thông tin đại biểu nêu hiện có một số cán bộ quản lý thị trường bảo kê người có hành vi sai phạm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận “chuyện đó hoàn toàn chính xác”.
Bộ trưởng nêu rõ, cán bộ quản lý thị trường hoạt động theo đơn tuyến, từng người trên từng vị trí có thẩm quyền, có trách nhiệm quyết định việc xử phạt hay không, xác định hành vi đó vi phạm hay vi phạm quy định pháp luật.
Do tính chất này, ngành công thương đã chỉ đạo thường xuyên luân chuyển địa bàn công tác các cán bộ phụ trách địa bàn và quy trách nhiệm cho người đứng đầu, nếu để xảy ra vi phạm sẽ xử lý rất nghiêm theo quy định.
Đồng thời tiếp tục tham mưu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, nhất là trong việc thanh tra, giám sát và xử lý những hiện tượng vi phạm.
Thời gian qua, Bộ đã yêu cầu, xử lý nhiều trường hợp vi phạm từ cấp cán bộ quản lý cấp đội, cấp cục ở địa phương, xử lý với cán bộ trực tiếp xử lý trên địa bàn và hàng chục cán bộ trong địa bàn đã được chuyển các cơ quan chức năng xử lý.
Ngành Công Thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, quản lý và tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phối hợp với các lực lượng phát hiện, xử lý vi phạm, làm tốt luân chuyển địa bàn...
Thảo luận