Cụ thể, trong ngày 28/8, nhà điều hành đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
“Từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị”, nhà điều hành thông báo.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II mà các nhà băng công bố, kết thúc nửa đầu năm, hệ thống có 16 ngân hàng thương mại ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành. Trong đó, 5 nhà băng tăng trưởng tín dụng trên 12% gồm HDBank, ACB, Techcombank, LPBank và NCB.
Năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến khoảng 15%. Dựa trên diễn biến thực tế, nhà điều hành cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và chủ động điều chỉnh hạn mức (room) cho từng nhà băng, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước so với mọi năm, vốn thường chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị.
Đây là điểm điều hành tín dụng khác biệt của nhà điều hành so với mọi năm, khi tiền lệ là chia "room" tín dụng theo nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng phải gửi đề nghị để xét duyệt.
Ngoài tăng trưởng tín dụng, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ và các quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường.
Tăng trưởng tín dụng nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả hạn chế nợ xấu, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, giảm lãi suất cho vay.
Trong thời gian tới, NHNN nhấn mạnh sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.