Chính quyền Đài Loan cho rằng yêu sách của Trung Quốc dường như không gắn với toàn vẹn lãnh thổ

MATXCƠVA (Sputnik) - Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Lại Thanh Đức bày tỏ quan điểm rằng vấn đề Đài Loan đối với Bắc Kinh dường như không gắn với toàn vẹn lãnh thổ, bởi nếu không, theo quan điểm của ông, trong trường hợp này Trung Quốc cần lấy lại vùng đất đã chuyển nhượng với Đế chế Nga theo Hiệp ước Aigun (Điều ước Ái Hồn) vào thế kỷ 19.
Sputnik

"Trung Quốc muốn tấn công và sáp nhập Đài Loan không phải vì một người nào đó hay một đảng nào đó ở Đài Loan đã nói hay làm điều gì đó. Cũng không phải vì yêu cầu toàn vẹn lãnh thổ. Bởi nếu vì toàn vẹn lãnh thổ thì tại sao không lấy lại vùng đất đã nhập vào lãnh thổ của Đế chế Nga vào thế kỷ 19 theo Hiệp ước Ái Hồn?", - ông Lại Thanh Đức nói trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình cáp địa phương ERATV.

Như nhận xét của nhà lãnh đạo chính quyền Đài Loan, việc Trung Quốc không đòi Nga trả lại những vùng đất đã chuyển giao từ thời nhà Thanh cho thấy Trung Quốc muốn xâm chiếm Đài Loan không phải vì lý do toàn vẹn lãnh thổ.
“Mục đích xâm chiếm Đài Loan là gì? Họ chỉ muốn thay đổi trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ và thiết lập bá quyền của Bắc Kinh ở Tây Thái Bình Dương và trên vũ đài quốc tế”, - ông Lại Thanh Đức nêu giả thiết.
Theo Hiệp ước Aigun ký năm 1858, quyền sở hữu bờ trái sông Amur của Nga từ sông Argun đến cửa sông được xác lập hợp pháp; bờ phải sông Amur đến sông Ussuri giao cho Trung Quốc. Nhiều sử gia Trung Quốc coi Hiệp ước này là bất bình đẳng, họ cho rằng văn kiện do Nga áp đặt vì ưu thế vượt trội về kinh tế và quân sự so với Trung Quốc. Nhà Thanh đã ký thỏa thuận tương tự với Nhật Bản vào năm 1895 sau thất bại trong Chiến tranh Trung-Nhật. Theo Hiệp ước này, Đài Loan được chuyển giao vào quyền quản lý của Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Những ai vượt quá giới hạn trong vấn đề Đài Loan sẽ phải trả giá
Quan hệ chính thức giữa chính quyền trung ương Trung Quốc và tỉnh đảo của nước này bị cắt đứt vào năm 1949, khi lực lượng Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo chuyển đến Đài Loan sau thất bại trong nội chiến với đảng Cộng sản Trung Quốc. Các liên hệ kinh doanh và không chính thức giữa hòn đảo và Trung Hoa đại lục được nối lại vào cuối những năm 1980. Kể từ đầu những năm 1990, các bên bắt đầu tiếp xúc thông qua các tổ chức phi chính phủ - Hiệp hội phát triển quan hệ qua eo biển Đài Loan và Quỹ trao đổi qua eo biển Đài Bắc.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của CHND Trung Hoa còn việc tuân thủ nguyên tắc “một nước Trung Quốc” là điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia khác mong muốn thiết lập hoặc duy trì quan hệ ngoại giao với CHND Trung Hoa. Nguyên tắc “một nước Trung Quốc” và không công nhận nền độc lập của Đài Loan cũng được Hoa Kỳ thừa nhận, mặc dù trên thực tế Washington vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với Đài Bắc trong nhiều lĩnh vực và cung cấp vũ khí cho hòn đảo này.
Thảo luận