Giải mã sức hút khó cưỡng của tour Trung Quốc đối với du khách Việt

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một điểm đến du lịch ngày càng phổ biến đối với du khách Việt Nam. Từ những thành phố hiện đại như Thượng Hải đến những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như Trương Gia Giới, đất nước tỷ dân này đang thu hút ngày càng nhiều người Việt. Nhưng điều gì đã khiến tour Trung Quốc trở nên hấp dẫn đến vậy?
Sputnik

Giá cả cạnh tranh

Theo thống kê từ các công ty lữ hành, số lượng khách Việt Nam đến Trung Quốc đã tăng đáng kể. Cụ thể, vào dịp nghỉ lễ 2/9, hơn 3.000 khách Việt qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai để đi tour Trung Quốc, gấp ba lần so với ngày thường. Con số này còn tiếp tục tăng, khi nhiều công ty lữ hành ghi nhận lượng khách đặt tour đến Trung Quốc áp đảo so với các điểm đến quốc tế khác.

"Thị trường du lịch Trung Quốc thực sự bùng nổ từ năm 2023 và tiếp tục là xu hướng của khách Việt trong năm 2024. Các tour đi Trung Quốc chiếm tới 60% tổng sản phẩm của chúng tôi, với nhiều tuyến mới và chính sách visa đoàn thuận lợi, đã tạo nên sức hút lớn”, đại diện G3M Travel chia sẻ với Sputnik.

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Tô Lâm: Việt Nam gửi tín hiệu rất quan trọng tới toàn thế giới
Đại diện này cũng chia sẻ thêm rằng giá tour đi Trung Quốc hiện tại rất cạnh tranh. Chẳng hạn, tour đường bay đến Quý Châu chỉ khoảng 10 triệu đồng, còn hành trình Phượng Hoàng Cổ Trấn - Trương Gia Giới khoảng 12 triệu đồng.

“Đặc biệt, đối với các tour đường bộ, giá chỉ từ 4 triệu đồng cho hành trình 4-5 ngày, rất phù hợp với nhóm khách hàng muốn trải nghiệm quốc tế với chi phí tiết kiệm”, đại diện công ty G3M Travel cho biết thêm.

Trạm vũ trụ Trung Quốc sẽ chào đón khách du lịch

Thị thực dễ dàng

Theo ghi nhận của Sputnik, các tour đường bộ đến Trung Quốc tăng vọt do thủ tục nhập cảnh đơn giản, không cần chứng minh tài chính, trong khi các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu lại có quy trình xét duyệt visa chặt chẽ hơn. Thêm vào đó, các đường bay charter được mở ra nhiều, khiến giá cả càng cạnh tranh và tạo điều kiện cho khách Việt trải nghiệm các điểm đến mới.

“Chúng tôi thấy quá trình làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu đã nhanh hơn so với các đợt nghỉ lễ trước, nhờ vào việc áp dụng công nghệ hiện đại và sự hỗ trợ của chính quyền hai bên”, anh Trần Hồng Sơn, khách du lịch Việt Nam đi tour Trung Quốc theo tuyến Châu Hồng Hà - Đại Lý - Côn Minh, chia sẻ với Sputnik.

Tỷ phú Ấn Độ đưa 4.500 nhân viên đến Việt Nam du lịch là ai?
Được biết, Trung Quốc đã và đang triển khai nhiều chính sách thu hút du khách quốc tế, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc mở rộng chính sách miễn thị thực 144 giờ (6 ngày) tại 37 cửa khẩu, cho phép công dân của 54 quốc gia, bao gồm Việt Nam, lưu trú tối đa 6 ngày mà không cần xin thị thực.
Chính sách này đã góp phần làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Trung Quốc. Theo Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 146 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, 58% nhập cảnh theo diện miễn thị thực, tăng gần gấp đôi so với năm 2023.
Bất chấp khó khăn tháng 7, du lịch Việt vẫn tăng trưởng 51% trong 7 tháng đầu năm 2024

Trải nghiệm du lịch độc đáo

Ngoài giá cả cạnh tranh và thủ tục đơn giản, Trung Quốc còn có lợi thế lớn về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa phong phú. Các điểm đến như Lệ Giang, Phượng Hoàng Cổ Trấn, Trương Gia Giới không chỉ đẹp mê hồn mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa, thu hút một lượng lớn du khách.

"Tôi ấn tượng nhất với sự đa dạng của Trung Quốc. Chỉ trong một chuyến đi, tôi đã được chiêm ngưỡng Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ, khám phá lịch sử qua đội quân đất nung, ngỡ ngàng trước phong cảnh như trong phim Avatar ở Trương Gia Giới. Tôi đã thử từ dimsum ở Quảng Châu đến vịt quay Bắc Kinh. Mỗi vùng miền đều có những món ăn đặc trưng riêng, khiến tôi muốn quay lại để khám phá thêm”, Nguyễn Hoàng Nam, 35 tuổi, một kỹ sư phần mềm từ Hà Nội, vừa trở về từ chuyến du lịch 12 ngày qua 5 thành phố của Trung Quốc.

Các nước Đông Nam Á thảo luận về thị thực du lịch thống nhất «kiểu Schengen»
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nâng cấp dịch vụ thanh toán tại các điểm du lịch lớn, hỗ trợ thanh toán qua nhiều hình thức như thẻ tín dụng quốc tế, ví điện tử như Alipay, WeChat Pay. Điều này giúp du khách dễ dàng thanh toán và trải nghiệm mà không cần mang theo nhiều tiền mặt. Các điểm đổi ngoại tệ cũng được bố trí rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế.

"Ở Thâm Quyến, tôi đã trải nghiệm một khách sạn hoàn toàn tự động, từ check-in đến phục vụ phòng. Tôi thực sự rất phấn khích. Đây là điểm mà du lịch Việt Nam cần học hỏi", anh Lê Quang Vinh, 25 tuổi, nhân viên marketing, bị thu hút bởi công nghệ trong chuyến đi du lịch trong nghỉ lễ 2/9 vừa qua.

Người Việt sắp được đi du lịch Triều Tiên sau gần 5 năm đóng cửa
Với sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, văn hóa phong phú, giá cả hợp lý và các chính sách du lịch thuận lợi, Trung Quốc đang dần trở thành điểm đến ưu tiên của nhiều du khách Việt Nam.
Các công ty du lịch Việt Nam cũng không ngừng mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm tour, từ đó mang đến cho du khách nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn. Điều này hứa hẹn một tương lai phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch giữa hai nước.
Thảo luận