Vụ kiện 19 tập đoàn hóa chất Mỹ của bà Trần Tố Nga: sự thật lịch sử bị bẻ ngược
Tòa án phúc thẩm Paris đã ra phán quyết bác bỏ vụ kiện dân sự của nạn nhân chất độc da cam/dioxin - bà Trần Tố Nga, người đã kiện 19 tập đoàn hóa chất Mỹ vì đã cung cấp dioxin cho quân đội Mỹ để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Sputnik đã có cuộc gặp với bà Tố Nga, tìm hiểu về hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
SputnikHành trình 15 năm đi tìm công lý
Bà Trần Tố Nga (sinh năm 1942, tại Sóc Trăng) hiện là công dân Pháp gốc Việt. Bà là cựu phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, từng tham gia công tác trong chiến tranh chống Mỹ. Khi mới 24 tuổi, bà Nga đã phải hứng chịu đợt phun chất độc da cam từ máy bay quân đội Mỹ tại Củ Chi.
Mục đích của Mỹ là tiêu diệt màu xanh của các cánh rừng và đồng ruộng, nhằm làm mất đi nơi ẩn náu và sinh sống của các chiến sĩ giải phóng. Chất độc da cam được đặt tên theo màu dải băng trên thùng chứa. Hàm lượng dioxin, thành phần gây ung thư và dị tật, đã được cố tình gia tăng để đạt mục đích sinh lợi và gây chết người.
Theo kết quả giám định y tế, nồng độ dioxin trong máu của bà cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép, dẫn đến những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe. Bà mắc 5 trong số 17 bệnh lý mà Mỹ đã công nhận và liệt kê là do chất độc da cam gây ra.
“Người con đầu lòng của tôi, sinh năm 1978 vì ảnh hưởng chất độc da cam bị 4 dị tật tim và mất sau khi mới 17 tháng. Sau này, tôi mới biết con mình chết là do bản thân nhiễm chất độc da cam. Tôi từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, thường xuyên đi công tác tại chiến trường, nơi quân đội Mỹ rải chất khai quang. Cả thế giới đều thấy rõ hậu quả chiến tranh mà quân đội Mỹ để lại. Không những môi trường bị phá hủy mà con người cũng ảnh hưởng nặng nề, bởi chất khai quang này chứa một lượng lớn chất dioxin. Thế nhưng đến nay, Mỹ vẫn “núp” sau chất khai quang để bào chữa”, bà Nga chia sẻ.
Bà Tố Nga là một trong những trường hợp hiếm hoi có khả năng theo đuổi
các vụ kiện liên quan đến chất độc da cam vì bà đáp ứng đủ ba điều kiện: Thứ nhất, là công dân Pháp gốc Việt. Thứ hai, bà sinh sống tại Pháp, nơi luật pháp cho phép mở các vụ kiện quốc tế nhằm bảo vệ công dân Pháp chống lại những hành động gây hại từ các quốc gia khác. Thứ ba, bà là nạn nhân của chất độc da cam.
“Nếu như tôi không kiện, sẽ không còn ai kiện nữa. Vào năm 2019, tại Việt Nam đã có hơn 3 triệu nạn nhân da cam ở thế hệ thứ ba. Con số này làm cho tôi quyết tâm kiện dù đã lớn tuổi. Đây là cuộc chiến đấu cuối cùng của cuộc đời tôi. Cũng là cuộc chiến đấu cả đời người”, bà Trần Tố Nga nói với ánh mắt đầy quyết tâm.
Vào tháng 5/2009, bà Trần Tố Nga đã xuất hiện trước Tòa án lương tâm quốc tế tại Paris để làm chứng về tình trạng nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Dù ban đầu không muốn dính líu đến các vụ kiện tụng, nhưng với sự hỗ trợ và đồng hành của một số luật sư và nhà hoạt động xã hội Pháp, bà quyết định khởi kiện các công ty hóa chất của Mỹ.
“Năm 2009, ở Pháp có phiên tòa Dư luận quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam, lên án những tội án do chất độc da cam gây ra. Trong phiên tòa đó có nhiều nhân chứng từ Mỹ, Philippines, Úc… đến làm chứng. Khi đó, Luật sư William Bourdon hỏi tôi, có đồng ý kiện Mỹ hay không. Nếu không kiện, tội ác da cam sẽ vùi sâu trong quên lãng. Cuộc chiến đấu bắt đầu từ đó, khi tôi gần 70 tuổi”.
Tháng 5 năm 2013, Tòa đại hình Évry, thành phố nơi bà Trần Tố Nga đang sinh sống, đã chấp thuận đơn kiện của bà nhằm truy tố các công ty hóa chất cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong cuộc
chiến tranh ở Việt Nam.
“Một mình tôi là người kiện với ba luật sư bảo vệ . Phía người bị kiện là 19 tập đoàn (Monsanto, Dow Chemical…), những “tay khổng lồ” của ngành hóa chất Mỹ. Mỗi công ty này thuê hai luật sư. Đối diện với 3 luật sư của tôi là 38 luật sư bảo vệ cho tập đoàn Mỹ. Chúng tôi tập trung nhiều chứng cứ khoa học rõ ràng, đanh thép mang tính lịch sử và khoa học, nhằm chứng minh rằng các tập đoàn Mỹ này không phải họ làm theo lệnh từ Chính phủ Mỹ”.
Từ năm 2015 - 2021, hơn 6 năm với 19 phiên tranh tụng viết với nhiều sự kiện phía bên bị gây khó khăn cho phía bà Nga. Đến tháng 1/2021 diễn ra phiên tranh tụng công khai đầu tiên. Đến tháng 5/2021, Tòa án đã đưa ra phán quyết chấp nhận lập luận của các công ty bị kiện, cho rằng họ hành động theo lệnh và vì lợi ích của Chính phủ Mỹ. Do đó, được hưởng quyền “miễn trừ” vì không có quốc gia nào có thể đưa một quốc gia khác dưới quyền tài phán của mình.
“Bà chánh án ngay từ đầu đã tỏ ra nghiêng về bên phía Mỹ. Các công ty Mỹ này đã “dự thầu” và không hành động chỉ vì bị ép buộc. Tòa án Évry đã áp dụng một nguyên tắc lỗi thời, trái ngược với các nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế và pháp luật Pháp. Sự thật, các công ty này không làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ. Thế nhưng đáng tiếc ngày 22/8 vừa rồi, tòa án phúc thẩm ra phán quyết vô cùng bất công, vô cùng phi lý khi tuyên án trắng cho các công ty Mỹ rải chất độc da cam xuống Việt Nam theo lệnh của Chính phủ Mỹ và kết luận hóa chất rải xuống Việt Nam không gây ảnh hưởng. Điều này cho thấy toàn bộ sự thật lịch sử bị bẻ ngược. Ác nghiệt hơn, tòa còn buộc tôi phải đền bù cho những kẻ phạm tội. Đây là điều vô lý, vô nhân đạo và gây phẫn nộ. Chúng tôi quyết định tiếp tục đưa lên tòa án tối cao”, nạn nhân chất độc da cam 82 tuổi cho hay.
Đấu tranh đến hơi thở cuối cùng
Ngay sau phán quyết của tòa án tại Pháp, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, phía Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của tòa phúc thẩm Paris về vụ việc. Đồng thời, yêu cầu các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam khiến hàng triệu người Việt Nam là nạn nhân có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra.
Nói về cơ hội giành chiến thắng trước những “gã khổng lồ” ngành hóa chất Mỹ, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an cho rằng, rất khó để tìm được công lý.
“Con đường đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam còn nhiều gian nan. Ngay cả khi Nhà nước Việt Nam ủng hộ thì cơ hội để đưa những công ty hóa chất này ra ánh sáng là điều rất khó. Đối với Mỹ, không có chuyện đúng sai. Việc gì có lợi cho họ, họ làm. Việc này đòi hỏi cần phải kiên trì”, Đại tá nêu quan điểm.
Biết là hành trình gian nan và nhiều chông gai, song bà Tố Nga cho hay mình sẽ “chiến đấu không ngừng”, “quyết đi đến cùng” bởi trên hành trình này bà không hề đơn độc.
Phiên tòa lịch sử này được coi là cơ hội cuối cùng để công lý được thực thi, gần 50 năm sau khi cuộc chiến khốc liệt kết thúc.
“Đã hơn 10 năm nay tôi không còn sống cho mình. Hơn 5 triệu nạn nhân da cam đang chờ mình, chờ công lý, chờ cả thế giới hướng về phía họ, để tạo cho họ chút niềm tin. Cần lưu ý rằng, nạn nhân da cam ở Việt Nam là người khổ nhất trong những người khổ, nghèo nhất trong những người nghèo. Vì họ, tôi không buông tay. Trên tất cả vẫn là hy vọng của nạn nhân da cam và những người yêu chuộng công lý. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình thua. Tôi đã đi được những bước rất dài. Việc đấu tranh này để cho nhân dân thế giới hiểu rõ tội ác của chiến tranh hóa học, chất độc da cam dioxin… và là cơ sở cho cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường hiện nay”, khẳng định.
Trong suốt hơn 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971), quân đội Mỹ và các nước đồng minh đã phun rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ chứa dioxin – một loại chất độc cực kỳ nguy hiểm – xuống các thôn làng, đồng ruộng và rừng cây ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, trên tổng diện tích hơn 2,6 triệu ha - con số này chiếm khoảng 10% toàn bộ diện tích của Việt Nam.
Cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử đã gây ra một thảm họa nhân đạo, sức khỏe và môi trường với những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài: Hơn 3 triệu người Việt Nam vẫn đang phải chịu đựng những căn bệnh ung thư và các bệnh lý do chất độc dioxin gây ra; khoảng 150.000 trẻ em qua 4 thế hệ từ năm 1975 đến nay đã sinh ra với các dị tật hoặc khuyết tật nghiêm trọng, như không có chân tay, mù, điếc, hoặc khối u bên ngoài.
Không chỉ riêng các nạn nhân ở Việt Nam, mà
nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Canada và các quốc gia khác cũng đã gặp khó khăn trong việc theo đuổi các vụ kiện đòi quyền lợi.
Bất công đang hiện diện rõ ràng khi Chính phủ Mỹ, cùng với các công ty hóa chất và các chính phủ Hàn Quốc, Australia, New Zealand, đã thừa nhận và trợ cấp cho các nạn nhân quân nhân bị ảnh hưởng bởi
dioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó có nhiều cựu chiến binh, những nạn nhân trực tiếp của loại chất độc hóa học khủng khiếp do Mỹ gây ra, vẫn chưa nhận được sự bồi thường từ Chính phủ nước này và các công ty hóa chất. Điều này là không thể chấp nhận được trong mắt dư luận.
Con đường đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân da cam ở Việt Nam vẫn còn nhiều thử thách. Không chấp nhận việc che giấu sự thật, những nạn nhân dioxin như bà Nga vẫn quyết “đấu tranh đến hơi thở cuối cùng”, để dư luận thế giới tin rằng, công lý cuối cùng sẽ phải được thực thi.