Chính phủ Việt Nam ban hành gói hỗ trợ khẩn cấp sau bão

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).
Sputnik
Theo đó, Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể.
Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024.
Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Việt Nam gặp bão, quốc tế hỗ trợ tích cực
Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Thứ nhất, nhóm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cấp chính quyền địa phương huy động tối đa các lực lượng tìm kiếm người mất tích; tăng cường bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, di dời, sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao và vận chuyển hàng hóa viện trợ, tiếp tế cho người dân.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động, bố trí đầy đủ lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cứu chữa người bị thương, bị bệnh; vệ sinh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau lũ.
Bộ Tài chính, các địa phương bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp việc mai táng cho người thiệt mạng, các hộ gia đình có người chết, mất tích hoặc bị thương nằm viện do ảnh hưởng từ bão số 3.
Nhóm thứ 2, hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân. Bộ NN-PTNT chủ trì xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bố trí dự phòng ngân sách T.Ư năm 2024 để hỗ trợ các địa phương theo quy định pháp luật.
Nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần xây mới, hư hỏng nặng phải sửa chữa và di dời chỗ ở...
Bão Yagi ở Việt Nam khiến 324 người thiệt mạng
Nhóm thứ 3, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định. Trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay...
Bộ Công thương nghiên cứu việc áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất...
Nhóm thứ 4, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở thời gian tới. Rà soát các thôn bản, các gia đình bị vùi lấp mất nhà, tái định cư cho các bản, làng, nhà ở cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31.12.
Rà soát các công trình thủy lợi, đê kè, hồ đập, hồ chứa thủy lợi xung yếu, bị hư hại, có rủi ro, nguy cơ cao để xây dựng phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước sửa chữa, gia cố...
Nhóm thứ 5 là cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.
Nhóm thứ 6 là kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước, các ủy ban của Quốc hội xem xét tạm ngừng thực hiện kiểm toán và giám sát tại các địa phương để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Thảo luận