Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tháng (từ 19/9-19/10). Thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa. HĐXX còn có thẩm phán Vũ Hoài Nam; thẩm phán dự khuyết là 2 ông Nguyễn Văn Hà, Phạm Viết Hùng; 3 hội thẩm nhân dân là ông Nguyễn Đình Cương, Trần Ngọc Thực, Bùi Quang Việt; hội thẩm nhân dân dự khuyết là bà Thi Thị Tuyết Nhung và ông Lê Giáo.
Đại diện VKS tham gia phiên tòa gồm các ông, bà: Vũ Tất Ba, Đào Lê Văn, Nguyễn Hồng Hiệp, Bùi Thanh Hằng và Lê Trương Hà Linh.
4 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan gồm luật sư Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp và Giang Hồng Thanh. Bị cáo Trương Huệ Vân và Chu Lập Cơ cùng có 2 luật sư tham gia bào chữa.
Trong vụ án này có 35.824 người được xác định là bị hại, tuy nhiên tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt những người này.
Lãnh đạo TAND TPHCM cho biết, việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Trong lần xét xử này, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã có hành vi vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và lừa 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng.
Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) bị cáo buộc giúp bà Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng của trái chủ; ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị cáo buộc đồng phạm với vợ "rửa" số tiền 33 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, có tổng giá trị hơn 30.869 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo đem bán cho các nhà đầu tư. Đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư, không có khả năng thanh toán. Hành vi này của bị cáo Lan bị VKS truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Để che giấu nguồn tiền có được từ việc phát hành trái phiếu và 415.000 tỷ đồng có được từ hành vi “Tham ô tài sản” từ nguồn tiền của Ngân hàng SCB, bà Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp phối hợp, lên phương án rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng, sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Từ năm 2012-2022, mỗi khi chuyển tiền đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp... giữa các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các công ty "ma" ở trong và ngoài nước.
Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB.