Đại diện chính quyền Biden cũng tiết lộ, Mỹ rất mong chờ chuyến làm việc sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự sự kiện của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Việt Nam thành công thì Mỹ thành công
Chiều 19/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức toạ đàm kỷ niệm một năm dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sau khi 2 nước "nâng cấp quan hệ" lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden.
Nhìn lại chặng đường 30 năm kể từ khi Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hoá quan hệ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng, để đưa hai đất nước từng là cựu thù trở thành những người bạn, cùng hợp tác vì sự phát triển chung, đòi hỏi sự can đảm, quyết đoán cùng tầm nhìn dài hạn.
“Nhờ quyết định mang tính lịch sử này, từ đó đến nay, hai nước đã dần hợp tác sâu rộng và chặt chẽ hơn, đạt được những thành tựu tích cực trong quan hệ song phương. Một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng là thời điểm hai bên chính thức nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện”, - ông nói.
Ông Knapper nói, năm qua là một năm quan trọng với 2 nước vì đã mở rộng quan hệ ở hầu hết mọi lĩnh vực. Đây là mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà trong đó Mỹ và Việt Nam tích cực hướng tới sự thịnh vượng chung, an ninh tương lai của 2 nước một cách công khai.
"Nói một cách khác, một nước Việt Nam thành công có nghĩa là một nước Mỹ thành công, và một nước Mỹ thành công có nghĩa là nước Việt Nam thành công", - ông Knapper tuyên bố.
Như Sputnik đã cập nhật liên tục, cách đây hơn 1 năm, ngày 10/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sang thăm Việt Nam, hội đàm với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững.
Một năm sau sự kiện, ông Knapper điểm lại những điểm sáng trong hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, môi trường, chống biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và bền vững, quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Biến Việt Nam thành một nơi hấp dẫn
Theo đó, một trong những trọng tâm là Mỹ muốn giúp Việt Nam xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn mạnh hơn và có giá trị cao hơn, thu hút nhiều các khoản đầu tư từ nước ngoài.
Theo Đại sứ Knapper, rất nhiều công ty đẳng cấp thế giới của Mỹ đang đầu tư hoặc muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các "đại bàng" công nghệ cao như Intel, Amkor...
"Đây là những công ty tốt hàng đầu trên thế giới và họ muốn có mặt ở Việt Nam, giúp biến Việt Nam thành một nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ cao", - nhà ngoại giao nhấn mạnh.
Ông Knapper cho rằng, để đón đầu làn sóng đầu tư này thì một yếu tố quan trọng là phải có lao động chất lượng, tay nghề cao.
Mỹ và Việt Nam đang hợp tác để phát triển lực lượng lao động, bao gồm đào tạo, giáo dục, đảm bảo người lao động có những kỹ năng cần thiết để thích nghi với các ngành công nghiệp trong thế kỷ 21.
Gần đây, Mỹ đã công bố sáng kiến mới nhằm giúp Việt Nam đào tạo kỹ sư điện, các nhà khoa học máy tính, kỹ thuật viên, đội ngũ giảng viên để mở rộng hoạt động huấn luyện, giáo dục.
Đại sứ Knapper điểm lại các hoạt động hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực năng lượng, đánh giá cao việc Việt Nam có cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, là bước đi rất quan trọng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc cho phép các công ty, nhà đầu tư tiếp cận các nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy.
“Chính phủ Việt Nam cũng rất nỗ lực đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cùng khả năng tiếp cận với nguồn năng lượng sạch và bền vững”, - nhà ngoại giao Mỹ đánh giá.
Ông cũng nhắc lại việc Việt Nam đặt mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Nhà ngoại giao khẳng định, Mỹ muốn hỗ trợ quá trình này, với nhiều chương trình thúc đẩy giáo dục tiếng Anh, cũng như trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).
Theo ông, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn rất lớn. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.
Ngoài các khoản đầu tư từ Mỹ và Việt Nam, ông cũng mong chờ các khoản đầu tư từ Việt Nam vào Mỹ. Những hoạt động này sẽ tạo ra công ăn việc làm, giúp 2 nước xích lại gần nhau hơn.
Mỹ rất mong chờ chuyến đi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Đại sứ Mỹ nhấn mạnh, năm 2025 đánh dấu 30 năm 2 nước bình thường hóa quan hệ. Hiện vẫn còn nhiều dư địa để 2 nước tiếp tục hợp tác và nâng cao hơn nữa.
"Chúng tôi thực sự muốn một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng và kiên cường. Tôi tin rằng chúng ta đã thấy Mỹ thực hiện các bước cụ thể để đảm bảo rằng hai nước chúng ta ngày càng xích lại gần nhau hơn, chia sẻ sự thịnh vượng và chia sẻ hòa bình và an ninh cho hai dân tộc và các thế hệ mai sau của chúng ta", - ông Knapper khẳng định.
Đại sứ Knapper cho biết thêm, phía Mỹ rất hào hứng về chuyến làm việc sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến tham gia sự kiện của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Đại sứ Mỹ nhấn mạnh, đây sẽ là chuyến công tác có ý nghĩa và Mỹ rất mong chờ chuyến đi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Mỹ cũng rất hoan nghênh vai trò ngày càng nổi bật hơn của Việt Nam trên trường quốc tế, trong khu vực. Ông mong muốn, Mỹ sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong hành trình trở thành một quốc gia hùng mạnh, giàu có và thịnh vượng hơn.