Từ vụ sập cầu Phong Châu nói về những hệ lụy của nạn “cát tặc”

Nạn khai thác cát trái phép vô tội vạ đã góp phần phá hủy nghiêm trọng nền móng địa chất dưới chân các trụ cầu Phong Châu… Việc chống nạn “cát tặc” đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác cát sông, tăng cường giám sát hoạt động khai thác cát, sự phối hợp của các địa phương trong việc xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể…
Sputnik
Cơn bão số 3 (bão Yagi) quét qua các tỉnh miền Bắc Việt Nam và hoàn lưu của nó đã để lại những tàn phá khủng khiếp khắp 26 tỉnh khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, gây mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng…Bên cạnh những nguyên nhân thiên tai còn có những yếu tố của hoạt động con người.
Trong những ngày gần đây chủ đề khai thác cát trên sông và những hậu quả của nó được thảo luận sôi nổi. Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An Việt Nam về chủ đề này cũng như về những bài học cần được rút ra sau thảm họa thiên tai vừa qua.

Trong vụ sập cầu Phong Châu lũ lụt chỉ là một trong các tác nhân

Sputnik: Kính chào Đại tá Nguyễn Minh Tâm! Trên trang Facebook* của mình, ông đã có chia sẻ về vụ sập cầu Phong Châu. Vì sao ông gắn liền vụ sập cầu Phong Châu với việc khai thác cát trên sông?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An Việt Nam
Trước hết, để hiểu rõ, tôi muốn đề cập vài nét về kết cấu kỹ thuật của Cầu Phong Châu:
Cầu Phong Châu mới gần 30 tuổi, khánh thành ngày 28/7/1995. Cầu gồm 8 nhịp (6 nhịp bê tông dự ứng lực và 3 nhịp dầm thép; đặt 7 trụ và 2 trụ mố cầu (số 1 và số 8). Từ phía Phong Châu đi sang, mố đầu tiên cùng các trụ T2, T3 được xây dựng bằng hệ thống cọc bê tông cốt thép kích cỡ 35x35cm. Mỗi mố cầu, trụ cầu tựa trên nhiều cọc bê tông cốt thép đóng sâu xuống lòng đất. Trụ T4 cũng làm bằng cọc bê tông cốt thép, nhưng bao gồm cả loại kích cỡ 35x35cm và loại tròn đường kính 55cm. Trụ T5 là sự kết hợp của cọc bê tông tròn kích cỡ 55cm và cọc thép chữ H loại 450.
Các trụ T6 và T7 sử dụng kết cấu trụ cầu hoàn toàn bằng các cọc thép tiết diện chữ “H” 450mm đóng thẳng xuống nền đất cứng dưới đáy sông. Tuy nhiên, về độ sâu, toàn bộ 37 cọc thép trụ T6 được đóng tới cao trình âm 22,2 m (-22,2m), còn 28 cọc thép của trụ T7 chỉ được đóng xuống cao trình âm 17m (-17m). Đầu của các cọc bê tông cốt thép, cọc thép được ngàm vào trong bệ cọc bê tông cốt thép dày 2.5m. Từ đó mới tiếp tục xây trụ bê tông cốt thép lên trên, hình thành các trụ cầu hoàn chỉnh để đỡ dầm cầu trên cùng.
Trụ T7 cầu Phong Châu
Thời điểm 1995, đáy sông Hồng nơi xây dựng cầu Phong Châu khá cao. Tính theo bản vẽ thì trụ T7 nằm sâu dưới nền đất đáy sông khoảng 16m, bao gồm cả các cọc thép, đài cọc và trụ bê tông cốt thép phía trên. Năm 2019, khi sửa chữa trụ T7 thì đáy sông Hồng tại khu vực cầu Phong Châu đã bị xói mòn nặng, giảm đi hơn 10m chiều dày, các cọc thép chỉ còn “ngậm” trong nền đất khoảng 5,8m.
Trong năm 2019, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ đã sửa chữa cầu bằng biện pháp tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê tông cốt thép C30, đường kính D1200mm, chiều dài cọc 16m, mũi ngoàm trong tầng đá gốc. Kết hợp mở rộng bệ trụ bằng bê tông cốt thép C30. Đồng thời, gia cường khả năng chống va xô của các phương tiện đường thủy khi di chuyển qua khu vực trụ bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ T7, kết cấu bằng bê tông cốt thép C30, chiều cao 1,2m tính từ mặt trên phần trụ thân đặt trụ T7.
Trụ cầu Trung Hà trơ gốc móng
Tiếp theo là tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến sự cố sập các nhịp cầu số 6, 7 và trụ T7:
- Xói lở lòng sông: Nhìn trên bản vẽ ký thuật tổng thể, rất dễ dàng nhận thấy các trụ T5, T6 nằm ở vị trí xung yếu nhất vì ở giữa sông, nơi có dòng nước chảy qua với lưu tốc và áp lực lớn nhất. Tuy nhiên, có một điều mà ít người để ý đến là trước khi chảy đến khu vực cầu Phong Châu từ phía thượng lưu, sông Hồng tạo thành một khúc “cua” gần 90 độ sang phía tả ngạn. Chính khúc “cua” này làm cho chảy xói mạnh vào phía hữu ngạn cầu Phong Châu (phía Tam Nông), làm cho lòng sông nơi đây bị khoét sâu nhất. Việc này đã biến trụ cầu T7 từ một vụ trí bình thường trở thành xung yếu nhất, nằm ở vị trí bị dòng nước “tấn công” mạnh nhất. Thế nhưng, nó lại ít được chú ý gia cường. Một số người đổ lỗi cho trận lũ lớn năm 1996 khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đồng loạt lở cả 8 cửa xả đáy để đề phòng tràn đập. Tuy nhiên, “nắng mưa là việc của trời”; còn con người thì cần nhận thức được điều đó sẽ gây tác hại như thế nào để có biện pháp đề phòng từ sớm, từ xa.
Bản vẽ kỹ thuật tổng thể Cầu Phong Châu năm 1995
- Khai thác cát trái phép:
Tại điểm a, khoản 1, Điều 64 của Luật Khoáng sản 2010 đã quy định về cát xây dựng như sau:
“1. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm:
a) Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật casiterit, wolframite, monazit, zircon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;”
Do đó, hoạt động khai thác cát là hoạt động khai thác khoáng sản.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ cá nhân, tổ chức khai thác cát phải có Giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp; phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi được cấp phép; phải bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường; phải bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.v.v…
Tuy nhiên, do sự lỏng lẻo của chính quyền các địa phương trong quản lý khai thác cát ở lòng sông nên từ nhiều chục năm nay, đã có hàng nghìn tin, bài của hàng trăm tờ báo tại Việt Nam phản ánh về vấn nạn khai thác cát trái phép về các bến bãi tập kết ngay trong hành lang bảo vệ đê điều, về vận chuyển cát ngang nhiên hình thành và hoạt động dưới khu vực chân cầu Phong Châu từ nhiều năm, gây sạt lở bờ sông, đe dọa hành lang đê điều, dễ gây suy yếu cầu… khiến người dân rất bức xúc. Mặc dù tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu tạm dừng khai thác 35 mỏ cát dưới lòng sông trên 2 tuyến sông Đà và sông Hồng nhưng những chỉ đạo này đã không được thực hiện nghiêm túc. Nạn cát tặc vẫn hoành hành ngay dưới chân cầu Phong Châu.
Chỉ cần nhìn vào bức ảnh về mùa cạn của trụ cầu Trung Hà, cây cầu có cùng công nghệ xây dựng trụ/mố với cầu Phong Châu, chúng ta có thể thấy sự nguy hại của việc khai thác cát trái phép dưới lòng sông gần các công trình trọng yếu như cầu, cống, bến phà, đê điều.v.v… (Xem ảnh 4 - Nguồn: Báo Lao Động).
Cầu Phong Châu năm 2023
- Lũ lụt: Nước lũ có sức tàn phá rất khủng khiếp, có thể cuốn trôi cả những công trình lớn. Nhiều người cho rằng chính cơn lũ do bão Yagi gây ra là nguyên nhân dẫn đến sập cầu Phong Châu. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy ở trên, lũ lụt chỉ là một trong các tác nhân. Hơn nữa, mỗi con sông không phải lúc nào cũng đem đến lũ lụt. Riêng tôi phản đối việc coi lũ lụt làm rửa trôi lòng sông. Bởi thông thường thì trong dòng chảy của một con sông luôn đem theo các chất bồi lắng. Nếu lưu tốc dòng nước không quá lớn, cát sỏi sẽ bồi lắng dưới chân đê, chân các công trình trên sông, trong đó các cây cầu. Bằng chứng là đối với khu vực cầu Phong Châu, phía Tả ngạn, nơi khúc “bụng” của sông Hồng chảy qua thì lòng sông được bồi lắng và nâng lên hàng chục cm mỗi năm. Ngược lại, ở phía “lưng” khúc sông này, tình trạng xói lở đã diễn ra, khoét sâu lòng sông nơi có trụ T7 và trụ T8.
Sputnik: Vậy tổng hợp lại, vụ cầu Phong Châu sập gây ra cái chết và mất tích hơn 10 người và những thiệt hại tài sản rất lớn là do những nguyên nhân nào, theo ông?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An Việt Nam:
Có thể kết luận: Cầu Phong Châu sập là do một loạt các nguyên nhân được tổ hợp lại vào đúng thời điểm bão Yagi đổ bộ gây mưa lớn, lũ sông Hồng lên cao trên mức kỷ lục:
1) Thiết kế cầu, đặc biệt là trụ cầu đã không “theo kịp” với biến đổi khí hậu, kéo theo biến đổi địa chất lòng sông Hồng.
2) Nạn khai thác cát trái phép vô tội vạ đã góp phần phá hủy nghiêm trọng nền móng địa chất dưới chân các trụ cầu Phong Châu, trong đó, nghiêm trọng nhất là trụ T7.
3) Cơ quan chức năng không phát hiện nguy cơ trôi móng, đổ trụ của cầu Phong Châu do biến đổi địa chất bất lợi dưới lòng sông. Ngay cả khi có dấu hiệu nguy cơ thì việc khắc phục cũng không triệt để. Những năm trước đây, khi nước sông Thao cạn. một số kỹ sư cầu đường đã đề nghị xây các tường chống va và giảm áp lực nước lên chân cầu hình chữ V hướng lên phía thượng lưu (như đã làm với cầu Long Biên năm 1973-1974) nhưng không được chấp thuận.
4) Cầu Phong Châu vốn chỉ thiết kế cho các các xe có tổng tải trọng T<65/xe với mật độ chỉ bằng 1/5 mật độ lưu thông trước khi cầu sập. Từ 20 năm nay, lưu lượng xe qua cầu Phong Châu đã tăng lên 5 lần với tổng trọng tải gấp nhiều lần so với thiết kế khiến cho cầu suy yếu nhanh.
5) Trận lũ đặc biệt lớn do cơn bão lịch sử Yagi gây ra là tác nhân cuối cùng gây đổ trụ cầu T7 và làm sập 2 nhịp 7 và 8 của cầu Phong Châu.

Nạn “Cát tặc” ngày càng tinh vi gây ra những hậu quả vô lường

Sputnik: Trong vài chục năm gần đây, tình hình khai thác cát trái phép diễn ra trên hầu khắp các tuyến sông lớn của Việt Nam, từ sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Đuống, sông Luộc… ở Bắc Bộ đến sông Mã, sông Lam, sông Hàn, sông Trà Khúc, sông Cái… ở miền Trung; sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu… ở Nam Bộ. Việc khai thác cát trái phép trên các con sông đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Ông có thể nói cụ thể hơn về nạn khai thác cát trái phép và những hậu quả của nó?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An Việt Nam
Khai thác cát quá mức khiến nhiều dòng sông ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang hiện diện rõ trong cuộc sống của tất cả chúng ta.
Nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm, đồng thời độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn dẫn đến những thay đổi đến hệ sinh thái. Đồng thời, việc mực nước ngầm bị hạ thấp còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng. Lòng sông và thay đổi chế độ dòng chảy cũng ảnh hưởng tới việc săn mồi, phát triển, đẻ trứng và nuôi dưỡng các con non của động vật thủy sinh và đều đặc biệt là đe dọa sự tồn tại của các công trình trên sông và ven sông.
Dư luận đã chứng kiến hàng trăm vụ sạt trượt ven các con sông gây sập nhà, sạt lở đường xá, đê điều và gần đây là vụ sập cầu Phong Châu. Giá trị của một mỏ cát được khai thác dưới lòng sông có thể lớn đến vài trăm tỷ đồng. Nhưng hậu họa mà việc khai thác bừa bãi đó gây ra thì có thể lên đến hàng vài nghìn tỷ đồng. Riêng đối với sông Hồng chảy qua khu vực Hà Nội và các tỉnh nằm trong lưu vực sông Hồng là nơi diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức nhất, rầm rộ nhất, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội. Việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè và các công trình thủy lợi.
Gần đây, do thiếu cát xây dựng nên tình trạng khai thác cát bừa bãi ngày càng phức tạp. Nhiều địa phương còn xuất hiện tình trạng các đầu nậu cát liên kết với các đầu gấu cùng với sự làm ngơ của chính quyền địa phương nên cát tặc càng mặc sức lộng hành. Các cơ quan chức năng mà mũi nhọn là Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường đã xử lý hàng trăm vụ khai thác cát trái phép mỗi năm nhưng tình trạng “cát tặc” vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà thậm chí còn tinh vi hơn, thủ đoạn càng phức tạp hơn.

Chống nạn “cát tặc” phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác cát sông

Sputnik: Là một nhà phân tích và nắm vững thông tin, theo ông những biện pháp gì cần gấp ở cấp độ luật pháp và hành pháp?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An Việt Nam:
Vì một con sông thường chảy qua nhiều địa phương cấp tỉnh, thậm chí là toàn bộ một vùng lãnh thổ nên các địa phương cần thông qua phối hợp với nhau để xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể. Thực tế cho thấy, khai thác cát dù ở mức độ nào cũng gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường và chất lượng nước sông. Ngay cả với những dự án khai thác cát được cấp phép thì vấn đề cần phải được đặt ra là cơ quan cấp phép không chỉ kiểm tra chi tiết trong mỗi phương án chủ đầu tư cam kết, mà còn phải giám sát chặt trên diện rộng đối với các dự án này, tránh tình trạng "cấp phép một đằng, khai thác một nẻo". Bởi thời gian qua, nhiều dự án lợi dụng giấy phép để khai thác quá mức.
Việc giám sát không chỉ xung quanh khu vực khai thác mà phải mở rộng đến toàn bộ lưu vực, bởi mức độ ảnh hưởng của quá trình khai thác cát sẽ diễn ra trên một phạm vi rộng lớn. Đồng thời, khi cấp phép phải buộc chủ dự án cam kết bồi thường nếu để xảy ra các sự cố cho môi trường như sạt lở, gây ô nhiễm nước sông, cá chết. Chỉ có như vậy mới hạn chế được việc các chủ dự án lợi dụng giấy phép để làm bậy.
Tiến hành trục vớt nhịp cầu tổ chức tìm kiếm các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu
Cũng cần lưu ý, việc khai thác cát chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây hiện tượng bồi lắng không theo trật tự nào, từ đó tạo ra những dòng xoáy bất ổn định hoặc gây nên hiện tượng lở cả hai bờ sông. Vì thế, cần phải đặt lợi ích chung của xã hội lên trên lợi ích nhỏ lẻ, cục bộ. “Giết chết” một dòng sông bằng cách khai thác cát bừa bãi thì dễ, nhưng để hồi sinh một dòng sông chết là vô cùng khó khăn. Có khi phải cần đến vài chục năm, hàng trăm năm.
Tình trạng khai thác cát trái phép quá mức và thiếu kiểm soát ở nhiều nơi thời gian qua không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho Nhà nước mà đang trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy kép. Việc khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định gây tác động rất lớn đến hệ thống sông ngòi. Ở nhiều dòng sông, mực nước đã và đang có xu hướng hạ thấp mà một trong những nguyên nhân là do khai thác cát bừa bãi gây xói mòn lòng sông và xói lở bờ bãi.
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc chống nạn “cát tặc” thì cũng rất cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác cát sông. Tiếp đó, phải tăng cường giám sát hoạt động khai thác cát của các dự án, không để chủ đầu tư lạm dụng giấy phép hủy hoại dòng sông nhằm trục lợi. Càng không thể để xảy ra tình trạng chủ dự án lại trở thành “cát tặc có tổ chức” từ chính hành vi khai thác cát bừa bãi trên các dòng sông. Từng hạt cát thì rất nhỏ nhưng một mỏ cát, hàng trăm mỏ cát lại là chuyện cực lớn.
Cuối cùng, vì luật đã có, các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã đủ nên điều còn lại là sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng. Đồng thời, cần tăng nặng các chế tài, hình phạt đối với các trường hợp khai thác cát trái phép cũng như xử phạt nghiêm khắc những đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng cho “cát tặc” nhằm trục lợi. Việc xử lý phải đồng bộ, không phân chia “khu vực của tôi, khu vực của anh” mà phải phối hợp chặt chẽ nhiều cơ quan chức năng được điều hành chỉ huy thống nhất thì mới ngăn chặn được tình trạng này.
Hãy coi sự cố sập cầu Phong Châu kéo theo bao mạng người và thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng (chưa tính thiệt hại gián tiếp) là một bài học lớn cần phải luôn luôn nhớ để chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bãi trên các dòng sông.
Sputnik: Cảm ơn ông vì những thông tin và ý kiến rất bổ ích và quan trọng.
* Hoạt động của Meta (mạng xã hội Facebook và Instagram) bị cấm ở Nga vì cực đoan
Thảo luận