Việt Nam đã sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình

Sáng 23/9 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia.
Sputnik
Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập tới một số vấn đề trong con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho toàn nhân loại trước những thay đổi lớn lao, vừa mang tính chu kỳ, cấu trúc, vừa có những đột phá chưa từng có dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để Dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai ở phía trước.
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từ một đất nước thân phận nô lệ, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã giành lại độc lập và ngày nay khẳng định vị trí của một nền kinh tế phát triển năng động với quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở top 40 và 20 trên thế giới.
Chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có tính biểu tượng lịch sử
Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
"Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Truyền thống của người Việt Nam là 'giàu vì bạn'. Chúng tôi không thể thực hiện các mục tiêu nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Thành công của chúng tôi là thành công của các bạn", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; sẽ tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài. Việt Nam kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ kiên trì chính sách quốc phòng "4 không," ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp tích cực, chủ động.
Việt Nam được Liên Hợp Quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050.
Binh sĩ gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại các Phái bộ Liên Hợp Quốc ở một số nước châu Phi không chỉ góp phần gìn giữ an ninh mà còn hỗ trợ người dân sở tại trong đời sống hàng ngày.
"Với thế và lực mới của đất nước, Việt Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới, sẵn sàng đóng góp trách nhiệm một cách chủ động, tích cực hơn vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên bố.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Thủ tướng Tòa thánh Vatican

Quan hệ hai Việt Nam - Hoa Kỳ sang trang mới

Đề cập đến mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết ngay từ những ngày đầu lập quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 8 bức thư và điện cho Tổng thống Harry Truman khẳng định Việt Nam mong muốn "hợp tác đầy đủ" với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, do những khúc quanh của lịch sử, phải mất 50 năm sau đó Việt Nam và Hoa Kỳ mới bình thường hóa quan hệ.
Trong gần 30 năm qua, từ cựu thù, hai nước đã trở thành đối tác, Đối tác Toàn diện và nay là Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định để quan hệ hai nước bước sang trang mới và phát triển tốt đẹp như ngày hôm nay, yếu tố quan trọng nhất là truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam, là sự lãnh đạo tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam với tầm nhìn trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh để đưa đất nước Việt Nam hội nhập vào dòng chảy quốc tế Bên cạnh đó phải kể đến nhiều bạn bè, đối tác Hoa Kỳ như Tổng thống Bill Clinton và các Tổng thống kế nhiệm, các Thượng nghị sỹ John McCain, John Kerry, Patrick Leahy… cùng nhiều người khác, đặc biệt là sự ủng hộ lưỡng đảng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Đây là một trong những nền tảng quan trọng để đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước chúng ta ngày càng đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, thực chất hơn thời gian tới.
Từ con đường đi tới của dân tộc Việt Nam và câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, để xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại cần phải khẳng định và đề cao vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, trong đó, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau là quan trọng nhất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã trở thành nền tảng để hai bên hàn gắn, tiến tới bình thường hóa, xây dựng lòng tin và làm sâu sắc quan hệ.

Biến những điều không thể thành có thể

Từ bài học đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, để một mối quan hệ phát triển, các bên cần đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội của nhau.
Nhìn rộng ra, nếu các quốc gia hiểu, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin thì thế giới sẽ thêm hòa bình, bớt xung đột.
Mặt khác, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần coi trọng và thúc đẩy văn hóa đối thoại với dẫn chứng trong chính mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Dù hai bên đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ song vẫn còn một số khác biệt quan điểm nhất định về vấn đề quyền con người trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo… Nhưng điều quan trọng là hai bên đã chọn đối thoại thay cho đối đầu trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng.
Nhấn mạnh phương châm của Việt Nam là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với cách tiếp cận đề cao đoàn kết quốc tế, hướng về tương lai, cũng như câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, thế giới sẽ biến những điều không thể thành có thể, tiếp tục dựng xây một nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại.
Thảo luận