Nhiều hộ dân xã Kim Lan phải di dời vì tình trạng sạt lở bờ sông Hồng

Ngày 25/9, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã triển khai biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân tại khu vực sạt lở ở thôn 4 (xã Kim Lan), đồng thời di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sputnik
Theo Dân Trí, trước đó, tại khu vực này xảy ra sạt lở, đoạn sạt dài khoảng 25m, ăn sâu vào bờ khoảng 2-8m. Đoạn đường ven sông và khoảng sân chung, bờ tường của nhiều hộ dân bị đổ sập hoặc cuốn trôi.
Người dân ở khu vực này cho biết, tình trạng sạt lở đất ven sông tiếp tục diễn ra tại đê tả sông Hồng. Khu vực sạt lở ăn sâu vào khoảng 5m tại thôn 4, vào sát mép 3 hộ dân đang sinh sống, cách mặt nước khoảng 8m.
"Khu vực này rất nguy hiểm, có thể nguy cơ sạt tiếp bất cứ lúc nào, sụt hẳn xuống sông khiến các hộ dân ở đây đều hoang mang. Đã rất lâu rồi mới xảy ra tình trạng sạt lở ở đây, lần gần nhất cách đây cũng gần 30 năm", một người dân chia sẻ.
Khu vực trên có 7 hộ dân với 35 nhân khẩu, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 3.600m2. Hiện bờ sông xuất hiện một số vết nứt, bề rộng 0,5m, kéo dài hơn chục mét, nguy cơ đất tiếp tục trượt xuống sông.
Sạt lở ở Điện Biên, ít nhất 7 người chết
Gần đó, thôn 5 xã Kim Lan cũng bị sạt lở khoảng 32m bờ sông, ăn sâu vào bãi 1-3m, cách nhà dân gần nhất hơn 4m. Khu Miếu Triền gần khu vực này đã bị sạt khoảng 100m, sạt lở sâu vào đất 2-17m, cách nhà dân gần nhất khoảng 20m.
Trước đó, ngày 11/8, cũng tại thôn 4, vụ sạt lở nghiêm trọng đã diễn ra tại khu vực này, chiều dài khoảng 45m, sạt lở đứng thành, chênh cao mặt bãi so với mặt nước khoảng 7m. Gia đình ông Nguyễn Xuân Hà chịu ảnh hưởng trực tiếp và cho biết, đây là vụ sạt lở lớn nhất ông từng chứng kiến.
"Vụ sạt lở diễn ra khoảng 4h30 sáng ngày 11/8, kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Vụ sạt đã cuốn trôi cả một nhà xưởng làm đồ rộng khoảng 60m2 cùng với hàng chục m2 đất thổ cư mà nhà tôi đang sinh sống. Tôi cũng đang lo lắng vì nguy cơ có thể tiếp tục sạt lở tiếp trong thời gian tới", ông Hà chia sẻ.
Sau sự việc sạt lở, gia đình ông Hà cùng một số hộ gia đình đã được di dời đến nơi an toàn, khu vực sạt lở đã được rào chắn bằng barie và biển cảnh báo.
Theo ông Trương Văn Học, Phó chủ tịch huyện Gia Lâm, bờ bãi sông Hồng chủ yếu là đất cát pha, liên kết yếu. Từ đầu tháng 8, do ảnh hưởng mưa bão, trên địa bàn xã Kim Lan xuất hiện một số vết nứt dọc bờ sông.
Đã tìm thấy thi thể 18 nạn nhân vụ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng ở Lào Cai
Sau cơn bão Yagi (bão số 3), nước sông Hồng dâng cao gần mức báo động ba, khi nước rút kéo theo phần đất, cát đã mất liên kết dẫn đến sạt lở.
5 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu đã được di dời đến nơi an toàn. Khu vực sạt lở được quây tôn, gắn biển cảnh báo không cho người ra vào, lực lượng chức năng ứng trực 24/24h.
Huyện Gia Lâm kiến nghị UBND TP Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đẩy nhanh dự án xử lý cấp bách chống sạt lở bờ, bãi sông tại các khu vực trên.
Thống kê của TP Hà Nội, bão Yagi đã làm 4 người chết và 24 người bị thương; khoảng 88.000 cây (gồm cây đô thị và các loại cây khác) gãy đổ; hơn 36.000 ha lúa bị ngập, dập nát; gần 12.000 ha rau màu bị ngập, làm hơn 3.400 gia súc chết. Nước sông Hồng lên cao đã gây ngập hơn 27.000 nhà dân ven sông.
Thảo luận