"Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững" là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh (HEF) 2024 khai mạc ngày 25/9 vừa qua. Theo lãnh đạo thành phố, TP Hồ Chí Minh mong muốn thông qua Diễn đàn Kinh tế 2024 có thể xác định những ưu tiên, trọng tâm trong chuyển đổi công nghiệp, qua đó tập trung nguồn lực, đảm bảo tính đồng bộ trong cơ chế chính sách và triển khai thực hiện. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên đối thoại chính sách. Ông đã đưa ra thông điệp thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi nền kinh tế thích nghi, hòa nhập với sự phát triển của thế giới.
Sputnik Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ kinh tế - tài chính Lê Hòa về những thách thức hiện nay trong phát triển kinh tế của thành phố là trung tâm tài chính, kinh tế của Việt Nam, về phân khúc thị trường mà các doanh nghiệp Nga có thể khai thác.
Những thách thức mà TP HCM phải đối mặt trong tiến trình chuyển đổi công nghiệp
Sputnik: Chủ đề thảo luận chính của Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2024 là xoay quanh vấn đề chuyển đổi công nghiệp. Có nghĩa là làm mới nền công nghiệp truyền thống, phát triển các ngành công nghiệp mới, trong đó cái chính là tập trung vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ cao…Theo Tiến sỹ, thành phố Hồ Chí Minh đang gặp những thách thức và khó khăn gì trong tiến trình này?
Ông Lê Hòa, Tiến sỹ kinh tế - tài chính:
Tuy TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - tài chính của Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, quy mô GRDP của thành phố đạt khoảng 65,5 tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của cả nước, còn dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 469.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước, theo đánh giá chung tăng trưởng đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng thấp hơn mặt bằng chung của cả nước.
Thủ tướng đối thoại chính sách với các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi và mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng lên. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nội địa sẽ gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2024. Đây là thách thức mà thành phố cần đặc biệt chú ý.
Về lĩnh vực khoa học và công nghệ, như Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định đã thông tin tại Diễn đàn HEF 2024: Bộ này đang xây dựng Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự án luật lần này tập trung xã hội hóa các nguồn lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thực hiện chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, để các doanh nghiệp có đủ năng lực hấp thu công nghệ, đổi mới sáng tạo. Với hành lang pháp lý này, doanh nghiệp có thể trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm tạo điều kiện thu hút nhân lực, công nghệ, góp phần gia tăng năng lực nội sinh của doanh nghiệp. Ông Lê Xuân Định cũng cho biết thêm, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi nghị định liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm nghiên cứu được phát triển từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, sâu xa là cơ chế quản lý tài sản công, nếu giữ như hiện nay thì cũng rất khó cho việc đầu tư phát triển các sản phẩm. Có nghĩa là có những sửa đổi và cần cơ chế mới.
Thủ tướng đối thoại chính sách với các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Về phát triển kinh tế xanh, những thách thức mà TP.HCM sẽ phải đối mặt khi phát triển là lượng phát thải khí nhà kính tăng cao, ngân sách hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ kinh tế xanh chưa đồng bộ... Phát triển kinh tế xanh đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi năng lực phát triển công nghệ của các doanh nghiệp và năng suất lao động còn hạn chế. Đối với môi trường, thị trường tái sử dụng, tái chế chất thải đã được hình thành nhưng chưa có tính liên kết và còn nhiều vướng mắc về giấy phép thực hiện.
Phát biểu tại HEF 2024, ông Phạm Bình An – Phó viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TPHCM đã có đánh giá rất khách quan và thực tế, khi cho rằng, dù quá trình chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM diễn ra từ khá sớm song đến nay tốc độ chuyển đổi còn chậm, các ngành nghề, doanh nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng và thâm dụng lao động do đó gặp nhiều khó khăn khi chi phí thuê đất công nghiệp tăng cao:
"Vai trò đóng góp của TP.HCM đang sụt giảm, GDP, tỷ lệ xuất khẩu đang sụt giảm. Năm 2023, giá trị gia tăng chỉ chiếm 12 tỷ USD và chiếm 19% GDP của Thành phố, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 32%. TP đang chuyển sang phát chuyển thương mại, dịch vụ nhưng công nghiệp phát triển chưa bền vững và thực sự hiệu quả, đây là những hạn chế của TP thời gian qua", - ông An cho biết.
Một thách thức nữa là nguồn vốn. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn vốn FDI, cho rằng nó mang tính đột phá vì nguồn lực trong nước có hạn. Nhưng tôi còn cho rằng, khi dành ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI không được “chèn ép”, gây áp lực, mà phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư trong nước. Hiện tại, nền kinh tế thành phố cũng như kinh tế cả nước phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tiền nước ngoài, điều này kéo theo những hệ lụy khác.
Đầu tư của Nga vào TP HCM và Việt Nam: Vấn đề không chỉ ở lĩnh vực nào mà còn là đầu tư thế nào
Sputnik: Theo ông trong quá trình chuyển đổi nền công nghiệp, những phân khúc nào các doanh nghiệp Nga có thể khai thác và tham gia?
Ông Lê Hòa, Tiến sỹ kinh tế - tài chính:
Hiện nay, đầu tư của Nga vào Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tính đến hết năm 2023, Nga là đối tác đầu tư FDI thứ 26 của Việt Nam. Liên bang Nga hiện có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư chỉ xấp xỉ 1 tỷ USD tính tới tháng 5/2024, trong khi đó Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư cũng như kinh tế-thương mại giữa Nga và Việt Nam còn rất xa với tiềm năng.
TP HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, sản xuất. Mọi lĩnh vực mà Nga mạnh đều có thể đầu tư để từ đó lan tỏa, bao gồm cả những lĩnh vực mà TP HCM rất cần đầu tư. Nhưng, vấn đề không chỉ ở lĩnh vực nào, phân khúc nào của nền kinh tế, của thị trường mà còn là đầu tư thế nào, bao gồm văn hoá, chuẩn mực, hiểu biết lẫn nhau, cơ chế bảo hộ đầu tư, cơ chế thanh toán và dòng vốn…
Theo tôi, phía Nga nên vào TP HCM cũng như Việt Nam bằng doanh nghiệp tư nhân, tìm đối tác trong nước phù hợp, bắt đầu từ những dự án nhỏ. Nga nắm know-how sâu trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang yếu công nghệ và thiếu nhân sự cần được chuyển giao và đào tạo. Ví dụ một số lĩnh vực mà Nga rất mạnh như dầu, khí, hoá chất, công nghệ thông tin, chế tạo máy, năng lượng tái tạo, xây lắp ngoài khơi, kinh tế biển, tái chế…cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mà những năm gần đây Nga đang dần chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới (Nga đang dùng trí tuệ nhân tạo trong giao thông, dịch vụ, nông nghiệp…chưa nói tới lĩnh vực quân sự).
Sputnik: Xin chân thành cảm ơn Tiến Sỹ đã trả lời phỏng vấn của Sputnik.