Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Tại cuộc họp, các đại biểu nghe báo cáo về việc xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế tại Việt Nam; thảo luận về bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; nhu cầu, tiềm năng, các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Ghi nhận ý kiến tâm huyết của các đại biểu, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng đề án Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là vấn đề "mới, khó, chưa có tiền lệ" nên phải thảo luận kỹ lưỡng để chọn phương án tốt nhất, nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về cách tiếp cận, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đi lên bằng năng lực nội sinh, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nói chung, TP.HCM và Đà Nẵng nói riêng, với quyết tâm, cơ chế, chính sách, bước đi phù hợp, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Mục tiêu của việc xây dựng Trung tâm tài chính là để hình thành thị trường tài chính, phát triển các dịch vụ tài chính và các dịch vụ đi theo để huy động nguồn lực tài chính cho sự phát triển của TP.HCM, Đà Nẵng nói riêng, đất nước nói chung.
Thủ tướng lưu ý nghiên cứu, tham khảo các mô hình trung tâm tài chính trên thế giới, cùng với đó, đề xuất khung pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù, đột phá, kể cả về chính sách visa, lao động, thuế, nhân lực chất lượng cao… để thu hút mọi nguồn lực tài chính, nhất là tài chính cho các ngành mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu…; hình thành thị trường tài chính hoạt động lành mạnh, an toàn, hội nhập, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, cơ quan liên quan và Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng trung tâm tài chính bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn để trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
Meta* sản xuất kính thực tế ảo tại Việt Nam
Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta*.
Dự kiến tới đây, Meta* sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất của Meta* - Quest 3S tại Việt Nam vào năm 2025. Đặc biệt những tháng tới, Meta* sẽ triển khai trợ lý ảo "Meta* AI" bằng tiếng Việt.
Việc mở rộng sản xuất Quest 3S tại Việt Nam được kỳ vọng tạo ra 1.000 việc làm. Quest 3S là mẫu kính vừa được công ty công bố ngày 25/9 tại sự kiện Meta* Connect 2024. Đây là phiên bản giá thấp hơn của Quest 3, khởi điểm 300 USD, giúp người dùng làm quen và trải nghiệm thực tế ảo mà không cần đầu tư số tiền lớn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Meta* nêu một số đề nghị liên quan đến quy hoạch cụ thể cho băng tần, khuyến nghị khung pháp lý để tạo điều kiện hơn nữa cho môi trường kinh doanh.
Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của Meta* cũng như cá nhân ông Nick Clegg đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Mỹ. Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Meta* tiếp tục trao đổi với các cơ quan, đối tác phía VN, để thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, AI, Internet vạn vật (IoT)...
Thủ tướng cho biết Việt Nam cũng đang xây dựng Luật Dữ liệu, Trung tâm Dữ liệu quốc gia, tạo thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản trị thông minh để tạo điều kiện cho sự phát triển, nhất là các lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao.
*Hoạt động của Meta bị cấm trên lãnh thổ Liên bang Nga