Việt Nam thành công khi không chọn bên trong cuộc chơi Mỹ-Trung

Việt Nam ngày nay là nước có nhiều ảnh hưởng trên thế giới, sau nhiều thập kỷ theo đuổi chính sách độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, cũng như chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không”.
Sputnik
GS. Carl Thayer, chuyên gia Australia có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và ASEAN, cho rằng nhiều nước Đông Nam Á giờ đây đã thấy được Việt Nam là một mô hình thành công trong việc không chọn bên trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kinh tế là lĩnh vực phát triển nhanh nhất

Những năm gần đây, Việt Nam đó có bước chuyển mình nhanh chóng, với nhiều thành tựu kinh tế quan trọng. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng của Việt Nam đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên trường quốc tế.
GS. Carl Thayer, chuyên gia quốc tế có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, công tác tại Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, đã chia sẻ về vấn đề này với VOV.
Theo đó, GS. Carl Thayer nhận định, lĩnh vực phát triển nhanh nhất ở Việt Nam thời gian qua chính là kinh tế, với mức tăng trưởng trung bình là 5,8% từ năm 2011 cho đến 2024.
Việt Nam đã phục hồi sau Covid-19 và phát triển kinh tế trong lúc nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực sản xuất và chế biến của Việt nam đã phục hồi trở lại, nhất là ngành điện tử. Sản xuất và thương mại đều tăng trưởng và Việt Nam vẫn đang thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài.
Kinh tế Việt Nam vững vàng
Theo ông, có 2 lý do khiến cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh như vậy. Thứ nhất là Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nền công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2045, khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng trong năm tới nên vào lúc này, các nỗ lực đang được đẩy mạnh để đảm bảo Việt Nam có thể đạt được mục tiêu như đã đặt ra 4 năm trước”, - chuyên gia nhận định.
Thứ hai, Việt Nam vừa qua đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm.
Nội hàm của các mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện cũng như các tuyên bố đều nhấn mạnh lợi ích chung giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tất cả các đối tác lớn của Việt Nam đều cam kết có hoạt động song phương ủng hộ Việt Nam phát triển lĩnh vực này.
Việt Nam nhắm mức GDP bình quân đầu người 7.500 USD năm 2030
GS. Carl Thayer nhận định, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo tốt, có kỷ luật và đặc biệt là có sự ổn định chính trị. Nhà nước cũng nhất quán trong việc coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là lĩnh vực then chốt, đặc biệt trong ngành bán dẫn và điện tử. Chưa hết, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên đất hiếm chưa được khai thác.
“Những yếu tố này đang tạo ra nền tảng để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hưởng nhiều lợi ích khi nhiều công ty nước ngoài đang tìm kiếm các đối tác khác ngoài Trung Quốc nên họ đã đến Việt Nam đặt nhiều cơ sở sản xuất tại Việt Nam để Việt Nam có thể hoàn thiện rồi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài”, - GS. Carl Thayer phân tích.

Nhiều ảnh hưởng trên thế giới

Trong lĩnh vực ngoại giao, GS. Carl Thayer đánh giá Việt Nam có đội ngũ nhân viên ngoại giao giỏi và chính sách ngoại giao thành công. Chuyên gia khẳng định, Việt Nam là quốc gia có nhiều ảnh hưởng trên thế giới.
“Đây là kết quả của nhiều thập kỷ thực hiện chính sách độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa”, - chuyên gia nhận xét.
Ngoài ra, cũng phải kể đến chính sách quốc phòng 4 không mà Việt Nam luôn theo đuổi: “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”
Theo ông, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á, cũng không muốn chọn bên trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và giờ đây đã thấy được Việt Nam là một mô hình thành công trong nỗ lực này.
Việt Nam có thể trở thành quốc gia chiến thắng trên “bàn cờ” địa chính trị trong thế kỷ 21
Việt Nam còn là một quốc gia đi đầu. Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham gia các cuộc gặp và phát biểu tại diễn đàn Liên hợp quốc vừa qua, bài phát biểu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ là tiếng nói của Việt Nam mà còn đại diện cho tiếng nói của nhóm các nước đang phát triển, đề nghị các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển thúc đẩy nền kinh tế.
Với những yếu tố trên, cũng như việc Việt Nam không chọn bên, ảnh hưởng của Việt Nam đã ngày càng gia tăng và minh chứng là Việt Nam đã hai lần được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thảo luận