Việt Nam đặt mục tiêu xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP năm 2025.
Sputnik
Năm 2023, GDP của Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới.

Tăng trưởng thuộc nhóm cao của thế giới

Tiếp tục phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 9/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD so với mục tiêu 4.700-4.730 USD).
Điều này là do biến động tỷ giá. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nếu tính theo VND, tại thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2024, mục tiêu GDP bình quân đầu người là khoảng 112 triệu VND; ước thực hiện năm 2024 là khoảng 123 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra.
Tăng trưởng GDP Việt Nam giảm 0,15 điểm phần trăm do bão Yagi
“Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao”, - Bộ trưởng cho biết.
Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng 9 tháng cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái...
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng 3,88%, trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ 1-7, điều chỉnh giá một số dịch vụ; cả năm ước tăng 4,5%.
Tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến phù hợp với thị trường thế giới. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, ước cả năm 10,1% so với dự toán...
Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng lần lượt 16,3%, 15,4% và 17,3% so với cùng kỳ. Xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD. Tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục phục hồi, đầu tư tư nhân tăng 7,1%.
Việt Nam nhắm mức GDP bình quân đầu người 7.500 USD năm 2030
Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.
Trong tháng 9 có khoảng 17.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tính chung 9 tháng có khoảng 183.000 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163.800 doanh nghiệp).
Các cân đối về an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.

Chuyển giao các ngân hàng bắt buộc

Báo cáo nhanh của Chính phủ cũng cho hay, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế, kiểm tra, giám sát.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được thực hiện quyết liệt trên phạm vi cả nước. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực.
Việt Nam đã bơm ra nền kinh tế gần 1,16 triệu tỷ đồng
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.021km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới.
Cả nước cũng phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025... Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xử lý các doanh nghiệp yếu kém, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Trong đó 4 dự án đạm (DAP-1, DAP-2, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc) đã có lãi và trả được nợ vay đúng hạn.
Hoàn thiện phương án chuyển giao đối với Ngân hàng CB, Ngân hàng OceanBank, đang tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển giao đối với Ngân hàng GP, Ngân hàng Đông Á.
Chính phủ đã dành gần 700.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Tổng giám đốc IMF: Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu
Đồng thời điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024 với mức cao nhất từ trước đến nay; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp 6% trong năm 2024.

Đặt mục tiêu Việt Nam xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%.
Phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%...
Chính phủ cũng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GD (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến hết năm 2023, GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Với kết quả đạt được từ năm 2021 đến nay và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như trên, chúng ta sẽ đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025 do Đại hội XIII của Đảng đề ra”.
Chịu "tác động kép", liệu kinh tế việt Nam có kịp tăng tốc, bứt phá?
Cùng với đó, đưa vào sử dụng hơn 3.000 km đường bộ cao tốc, vượt mục tiêu đề ra; thực hiện tăng lương, tăng trợ cấp cho người có công, lương hưu, bảo trợ xã hội và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động 6-7%/năm…
Riêng một số chỉ tiêu liên quan đến GDP, nhất là tốc độ tăng GDP khó đạt (năm 2021 là 2,58%, năm 2022 là 8,12%, năm 2023 là 5,05%. Năm 2024 dự kiến đạt 6,8-7%, phấn đấu đạt cao hơn).
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức, theo dõi, thi hành pháp luật.
Tổ chức triển khai tích cực các dự án luật (sửa đổi) và các dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư công, đầu tư, quy hoạch, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kế toán, kiểm toán độc lập, chứng khoán, quản lý thuế…
Năm sau - 2025 - cũng là năm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tập trung vào Chính phủ số, xã hội số, công dân số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tận dung tối đa nguyên liệu vì đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác...
Đưa Việt Nam vào nhóm 30-35 nền kinh tế lớn trên thế giới
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai; phát huy hiệu quả vai trò của các tổ công tác, ban chỉ đạo để rà soát, tổng hợp các dự án, đất đai đang gặp vướng mắc, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý.
Năm tới, Chính phủ cũng đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Thảo luận