Trước thông tin virus Marburg đang có nguy cơ lây lan trên thế giới, Sở Y tế TP.HCM đã lên tiếng về nguy cơ bệnh này ở địa phương. Theo Sở Y tế, nguy cơ bệnh Marburg xâm nhập vào TP.HCM là không cao, nhưng vẫn có thể xảy ra.
Tuy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá nguy cơ của đợt bùng phát này là thấp ở cấp độ toàn cầu, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ đã tăng cường biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh xâm nhập.
Cụ thể, về đường hàng không, nguy cơ xâm nhập vào thành phố khá thấp khi không có đường bay thẳng và khách nhập cảnh đã được sàng lọc trước khi xuất cảnh. Khả năng thâm nhập qua đường hàng hải là rất thấp, Rwanda chỉ có 1 cảng hàng hải tại Kigali. Theo dữ liệu về tàu nhập cảnh từ tháng 1/2023 đến 30/9/2024, không có tàu thuyền nào trực tiếp từ cảng hàng hải này.
Ngoài ra, thời gian vận chuyển từ Châu Phi về đến TP.HCM qua đường biển thường kéo dài từ 25-40 ngày, dài hơn thời gian ủ bệnh dài nhất của Marburg là 21 ngày.
Ngày 11/10, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản chỉ đạo các triển khai các biện pháp kiểm soát bệnh tại cửa khẩu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thực hiện nghiêm túc, đặc biệt giám sát các hành khách từ các đường bay có liên quan đến Rwanda.
Sở Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế việc đi du lịch không cần thiết, ở các quốc gia đang có bùng phát dịch. Đối với người từng đi qua các quốc gia đang có dịch, nếu phát hiện có những triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế và cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về lịch sử di chuyển để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như để hạn chế lây nhiễm.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc kết luận một căn bệnh chưa xác định là “bệnh lạ”, “bệnh bí ẩn” là phản khoa học, có thể gây hoang mang không cần thiết trong dư luận.