Về dự Đại hội có 1.052 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp, thể hiện hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, cùng nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, các Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ dự khai mạc Đại hội.
Tới dự còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Thiện Nhân, Huỳnh Đảm; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; các đại sứ, lãnh đạo một số cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Cơ hội lịch sử đưa đất nước vào kỷ nguyên mới
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ trong suốt 94 năm qua, MTTQ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, sứ mệnh trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh phát huy truyền thống vẻ vang, những kinh nghiệm quý báu, trong nhiệm kỳ qua, mặt trận đã có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.
Vai trò nòng cốt chính trị của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được khẳng định, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, trước diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19 và bão số 3 vừa qua, MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức thành viên.
Từ đó, phát động, kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống, khống chế, nhanh chóng khắc phục hậu quả dịch bệnh, bão lũ, sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng.
Hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong rèn luyện đạo đức, lối sống, thực thi công vụ được quan tâm, đạt kết quả tích cực...
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ MTTQ Việt Nam xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
Tổ chức nòng cốt trong phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cầu nối quan trọng của Đảng, chính quyền với nhân dân...Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh với thế và lực tích lũy được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, nhân dân Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đó là kỷ nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện thành công mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để thực hiện mục tiêu đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt.
Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên giữ vai trò nòng cốt.
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cơ bản đồng tình với phương hướng, mục tiêu và chương trình hành động nhiệm kỳ tới mà báo cáo chính trị đã đưa ra, đồng thời, nhấn mạnh thêm một số vấn đề để đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.
Trong đó, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.