Theo đó, đại biểu cảnh báo có thể xuất hiện các băng nhóm chuyên sử dụng người dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi đòi nợ thuê, hủy hoại tài sản.
Quy định về mức tổng hợp hình phạt
Sáng 23/10, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Một trong những vấn đề mới của dự thảo luật là quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và nhận thấy, quy định như Bộ luật Hình sự hiện hành về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng, cần sửa đổi để khắc phục sự thiếu công bằng.
Về mức tổng hợp hình phạt chung, dự thảo đề xuất chỉnh lý theo hướng không quá 12 năm tù với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Mức tổng hợp hình phạt áp dụng thống nhất với mọi tội phạm, chứ không chỉ áp dụng với 5 tội: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, sản xuất trái phép chất ma túy.
"Quy định như vậy vừa bảo đảm phân hóa được chính sách xử lý giữa người chưa thành niên phạm 1 tội với người chưa thành niên phạm nhiều tội; vừa không tăng nặng trách nhiệm xử lý so với quy định của Bộ luật Hình sự. Vừa khắc phục được bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự về tổng hợp hình phạt; vừa không phát sinh những mâu thuẫn mới trong tổng hợp hình phạt", - bà Nga nhận định.
Ngoài hình phạt tù có thời hạn, bà Nga cho biết, dự thảo luật cũng tiếp tục kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự về 3 loại hình phạt khác, bao gồm cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ.
Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội, vừa thể chế hóa nghị quyết 49 của Bộ Chính trị "giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ...".
Theo bà Nga, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt trên để vừa bảo đảm răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện khi xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhất trí với quy định về việc tổng hợp hình phạt tù trong dự thảo luật lần này.
"Quy định như dự thảo vẫn có tính nhân văn với người phạm tội là người chưa thành niên, vừa đảm bảo tính công bằng và tính răn đe khi áp dụng tổng hợp hình phạt", - nữ đại biểu nhận định.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bổ sung quy định "ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú".
Lý do, điều này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực.
Lo các băng nhóm đòi nợ thuê toàn người dưới 18 tuổi
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lưu ý, dự thảo luật quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người 13-16 tuổi, sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép ma túy.
Ông Tạo dẫn chứng trong thời gian qua, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng có hành vi phạm tội có độ tuổi 16-18 tuổi.
Theo ông, thực tế lợi dụng phát triển của không gian mạng, các nhóm đối tượng phát triển rất nhanh, kéo theo hàng chục, hàng trăm đối tượng tham gia phạm tội manh động.
Việc dự thảo luật chỉ quy định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở một số tội là chưa đầy đủ.
Ông Tạo đặt vấn đề, nếu chỉ có một số tội này không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, trong khi dự báo tình hình tội phạm thời gian tới do người dưới tuổi thành niên thực hiện tiếp tục gia tăng, thì có thể xuất hiện những băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…
Trên cơ sở Bộ luật Hình sự, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung thêm trường hợp không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự luật để tránh áp dụng không thống nhất đồng bộ, với mục tiêu nhằm nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.