Việt Nam khởi đầu giai đoạn mới trong quan hệ với 3 quốc gia hàng đầu Trung Đông

Chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam tới 3 quốc gia hàng đầu Trung Đông được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và ba quốc gia vùng Vịnh.
Sputnik
Chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam tới 3 quốc gia hàng đầu Trung Đông được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và ba quốc gia vùng Vịnh, thể hiện việc Việt Nam ngày càng tích cực hơn trong việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hướng tới việc thu hút tối đa các nguồn lực để phát triển nền kinh tế của đất nước.
Từ ngày 27/10 tới 1/11/2024, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức 3 quốc gia hàng đầu Trung Đông: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, nơi ông sẽ tham gia Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 và Vương quốc Ả Rập Xê Út. Chuyến công tác này được đánh giá là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới trong việc phát triển quan hệ với các quốc gia Ả Rập này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến thăm chính thức UAE

Thủ tướng Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm, lần đầu thăm Ả Rập Xê Út kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm và là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Ả Rập Xê Út kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Như đã biết, cả 3 quốc gia này đều là những nền kinh tế hàng đầu, các cường quốc năng lượng tại Trung Đông. Quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước đang phát triển tích cực và thực chất”, - TS kinh tế Lê Hòa nói với Sputnik.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm UAE, Qatar và Saudi Arabia
“Chúng ta đều biết vùng Vịnh là một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới. Các nước này đứng đầu về trữ lượng dầu mỏ, có các trung tâm tài chính hiện đại và chuyển đổi mô hình phát triển mới, đón đầu các xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu, trả lời báo chí trước thềm chuyến công du của Thủ tướng.
“UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út là những quốc gia có quy mô kinh tế và vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông. Cả ba đều là những đối tác lớn, những thị trường chủ đạo, nơi tập trung các nhà đầu tư lớn của thế giới, những trung tâm tài chính và công nghệ. Triển vọng hợp tác với những thị trường này đối với Việt Nam là rất lớn. Đẩy mạnh hợp tác với những thị trường này, Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn và công nghệ mới” – Chuyên gia tài chính Lý Hoài Lương phát biểu với Sputnik.
Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và ba quốc gia vùng Vịnh nói trên.

“Nó cũng thể hiện việc Việt Nam ngày càng tích cực hơn trong việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hướng tới việc thu hút tối đa các nguồn lực để phát triển nền kinh tế của đất nước. Có thể nói, Việt Nam kỳ vọng tạo đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại và đấu tư với các nước Ả rập này, mà trước mắt là tạo đột phá cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận các thị trường vùng Vịnh”, - TS kinh tế Lê Hòa bình luận với Sputnik.

UAE sẽ đầu tư trung tâm tài chính tại TP.HCM

3 nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh và hợp tác với Việt Nam

Việt Nam và UAE

Chuyến công du của ông Phạm Minh Chính bắt đầu từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực vùng Vịnh. UAE cũng là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu ở Trung Đông. Trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) UAE đứng vị trí thứ 4.
“Trong những năm gần đây, UAE tích cực triển khai chính sách "Hướng Đông" của mình. Trong thực hiện chính sách này, UAE rất coi trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 31 năm, ngày 1/8/1993. Hiện tại, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - UAE khoảng 5 tỷ USD và tăng đều. Theo thống kê của phía UAE, kim ngạch thương mại hai nước năm 2023 đạt 8,8 tỷ USD.
Tính đến tháng 6/2024, UAE có tổng cộng 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 71,6 triệu USD. UAE sở hữu nhiều quỹ đầu tư FDI có quy mô lớn nhất thế giới, trong đó Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (Abu Dhabi Investment Authority) quản lý 853 tỷ USD, là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Bảo tàng Tương lai ở Dubai
Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng việc mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với UAE, xem hợp tác này là một trong những trọng tâm hàng đầu. Đánh giá cao vị thế của UAE là nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Ả Rập với việc đầu tư nhiều tỷ USD ra nước ngoài và thu hút 35 tỷ USD FDI năm 2023; Ông Phạm Minh Chính khẳng định, đối với Việt Nam UAE là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu để mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư.
“Hiện tại, hợp tác đầu tư Việt Nam và UAE chưa tương xứng với với tiềm năng và kỳ vọng của cả hai bên, mà tiềm năng cũng như cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và UAE là rất lớn. Lần này, hai bên nâng cấp quan hệ và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) Việt Nam – UAE, như vậy, UAE là quốc gia Ả Rập đầu tiên Việt Nam ký CEPA. Hai bên cũng đặt mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD”, - TS kinh tế Lê Hòa nói với Sputnik.
Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng các trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam rất cần nguồn tiền từ phía UAE, phía UAE khẳng định sẽ nghiên cứu và định hướng các tập đoàn của UAE đầu tư vào các dự án chiến lược tại Việt Nam, trong đó có dựa án xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế.
Tuyên bố mới về quan hệ Việt Nam-UAE

Qatar và Việt Nam

Qatar và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/2/1993. Hiện tại, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 497 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022). Qatar thực thi chính sách đối ngoại cân bằng với các cường quốc trong và ngoài khu vực.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp nhấn mạnh, việc lựa chọn Qatar là điểm đến trong chuyến thăm khu vực vùng Vịnh của Thủ tướng Việt Nam là sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Việt Nam và việc tích cực thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016-2025”. Chuyến thăm lần này cho thấy, Việt Nam đánh giá cao tiềm lực và vai trò của Qatar tại khu vực Trung Đông và trong thế giới Ả Rập, coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Qatar và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt sâu rộng, hiệu quả với Qatar.
“Phía Việt Nam kỳ vọng mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam - Qatar; đặc biệt trong thu hút đầu tư từ Qatar vào Việt Nam và thúc đẩy mạnh việc hàng hóa Việt Nam tiếp cận được thị trường Qatar và các thị trường khu vực Trung Đông”, - . TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Qatar hai bên trao đổi các biện pháp về thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, năng lượng, hàng không, nông nghiệp, công nghiệp, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục và nhân văn.
“Qatar có tiềm năng kinh tế mạnh, là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới; là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu ở Trung Đông; quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Thu hút được dòng đầu tư từ Qatar vào Việt Nam để thực hiện những dự án lớn, quan trọng cho việc phát triển nền kinh tế là một trong những mục đích chính của chuyến đi này của Thủ tướng Việt Nam”, - TS kinh tế Lê Hòa bình luận với Sputnik.
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Lulu muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam

Việt Nam và Ả Rập Xê Út

Ả Rập Xê Út là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực vùng Vịnh, là cái nôi của đạo Hồi. Ả Rập Xê Út có ảnh hưởng quan trọng trong thế giới Hồi giáo, các nước Ả Rập và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ả Rập Xê Út đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ (trữ lượng khoảng 264,4 tỷ thùng, chiếm 20% trữ lượng thế giới, sản lượng 10-13 triệu thùng/ngày).
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với Ả Rập Xê Útngày 21/10/1999. Quan hệ hai nước phát triển tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Ả-rập Xê-út là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Ả-rập Xê-út là thị trường lớn và là thị trường quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông. Trong giai đoạn 2019-2023, tổng trao đổi thương mại song phương tăng trưởng liên tiếp qua các năm, bình quân đạt trên 2,2 tỷ USD/năm, năm 2023 đạt 2,6 tỷ USD.
“Ả Rập Xê Út là thị trường có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng (nông sản như rau và hoa quả tương, gạo, hải sản, cà phê, gia vị), hàng công nghiệp và vật liệu xây dựng. Và nhu cầu này ngày càng tăng cao. Vì thế, Ả-rập Xê-út là một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam”, - TS kinh tế Lê Hòa nói với Sputnik.
VinFast ra mắt thương hiệu chính thức tại Trung Đông
TS kinh tế Lê Hòa cũng nhấn mạnh, dư địa hợp tác của hai nước còn rất lớn, hiện tại đầu tư của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi khả năng và tiềm lực tài chính của giới doanh nghiệp Ả-rập Xê-út rất mạnh mà Việt Nam thì hiện là một môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều tiềm năng và lợi thế.
“Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam lần này tới Ả Rập Xê Út được kỳ vọng là một bước tiến mới trong quan hệ song phương và tạo xung lực mới cho mối quan hệ phát triển tích cực hơn. Việt Nam cũng kỳ vọng thu hút được đầu tư từ Quỹ Đầu tư công của Ả-rập Xê-út (PIF), nhắm đến các dự án hạ tầng lớn và công nghiệp Halal. Nhu cầu nông sản và thực phẩm Halal tại Ả-rập Xê-út mở ra thị trường tiêu thụ ổn định cho Việt Nam. Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” mới đây tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện từ 50 quốc gia đã cho thấy mong muốn của Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal thế giới., mà Ả Rập Xê Út là một trung tâm tiêu thụ Halal rất lớn và tiềm năng”, - TS kinh tế Xuân Hòa đưa ra bình luận và đánh giá về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ả Rập Xê Út.
Thảo luận