Không phải Trung Nguyên, đâu là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam?

Tập đoàn Trung Nguyên chỉ xếp hạng thứ 16 trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam niên vụ 2023 - 2024, theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA).
Sputnik
Từ ngày 1/10/2024, Việt Nam bước vào vụ cà phê mới 2024-2025. Tuy nhiên, dù chỉ mới đầu vụ nhưng rất nhiều nhà vườn, đại lý, thậm chí cả nhà xuất khẩu đã “kêu” ế ẩm.

Trung Nguyên chỉ xếp thứ 16

Ngày 29/10, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết đã có báo cáo kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam niên vụ 2023 - 2024.
Theo báo cáo, tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ đạt 1,45 triệu tấn, với cà phê robusta chiếm chủ yếu - hơn 1,2 triệu tấn.
Xuất khẩu cà phê niên vụ qua 2023 - 2024 đóng góp hơn 5,4 tỉ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
VICOFA cho biết, dù sản lượng vụ vừa qua giảm 12,7% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng mạnh tới 33%. Nguyên nhân được cho là do giá cà phê tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất lịch sử xuất khẩu cà phê Việt Nam từ trước tới nay.
Không phải Trung Nguyên, ai mới là “ông trùm” cà phê hoà tan Việt Nam?
Cũng theo thông tin từ VICOFA, cà phê Việt Nam hiện đã được xuất khẩu ra hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, châu Âu chiếm khoảng 48% thị phần, châu Á chiếm 21%, Mỹ chiếm 6%.
Bảng xếp hạng các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cà phê lớn tại Việt Nam năm nay có sự biến động khi Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) vượt lên trên Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (TP.HCM) để chiếm ngôi đầu bảng.
Theo đó, Vĩnh Hiệp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh từ 244 triệu USD niên vụ 2022 - 2023 lên 520 triệu USD niên vụ 2023 - 2024. Trong khi đó, Intimex chỉ tăng từ 318 triệu USD lên 407 triệu USD.
Một số doanh nghiệp khác có giá trị xuất khẩu trên 200 triệu USD là Công ty Louis Dreyfus Company Việt Nam, Tuấn Lộc Commodities, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty Nestlé Việt Nam, Công ty CP Intimex Mỹ Phước.
Đáng chú ý, Tập đoàn Trung Nguyên – ông lớn ngành cà phê trong nước – chỉ xếp hạng thứ 16 trong bảng xếp hạng, với giá trị xuất khẩu 114 triệu USD.

Khó khăn ngay từ đầu vụ mới

Phát biểu tại hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2023/2024, và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2024/2025, Phó chủ tịch VICOFA Đỗ Hà Nam cho biết, giá cà phê Việt Nam hiện nay là quá đắt, nếu vẫn tiếp tục cao như vậy thì không có nhà tiêu thụ nào trên thế giới có thể sử dụng cà phê Việt Nam.

Ông Nam nhận định, chính vì giá cà phê quá đắt nên trong niên vụ vừa qua, các nhà chế biến đã chuyển sang sử dụng các loại cà phê khác, với lý do “chỉ đổi tạm vì người tiêu dùng thế giới đã quen với vị cà phê Robusta nên khó đổi, về lâu dài họ vẫn mong muốn quay trở lại với cà phê Việt Nam”.

Theo ông, vấn đề là Việt Nam bán cà phê với giá nào là hợp lý, người nông dân có thể sống tốt được với cây cà phê, nhưng cũng phải đảm bảo người tiêu dùng thế giới vẫn muốn tiêu thụ Robusta, và làm sao để xuất khẩu cà phê ổn định. Đây là những điều cần quan tâm cho niên vụ sau.
Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu cà phê, trở thành nước bán lớn thứ hai thế giới
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình cho rằng, năm 2023-2024 là niên vụ hoàn toàn thành công. Thành công này có nhiều yếu tố, đặc biệt là từ nhà nông. Bà con đã cho ra sản phẩm tốt với nguồn cung vừa đủ, và bởi vì cho “thị trường ăn vừa đủ” nên giá mới được tốt.
Từ ngày 1/10/2024, Việt Nam bước vào vụ cà phê mới. Tuy nhiên, rất nhiều nhà vườn, nhiều đại lý, thậm chí cả nhà xuất khẩu đã “kêu” ế ẩm. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như:
Thứ nhất, thị trường trong nước ế ẩm do giá cà phê trên sàn kỳ hạn rớt quá nhanh, chỉ trong khoảng từ ngày 1/10 đến 25/10 đã giảm khoảng 800 USD/tấn.
“Giá cà phê trên sàn kỳ hạn rớt nhanh quá đã ảnh hưởng đến giá cà phê trong nước, nên bây giờ trên thị trường không ai mua bán gì được”, ông Bình phân tích.
Thứ hai, vận chuyển cà phê Việt Nam qua châu Âu (nhập khẩu cà phê Robusta của Việt Nam nhiều nhất) bị chặn ở Biển Đỏ trong thời gian qua.
Thứ ba, quan trọng hơn là Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. Quy định này khiến cho tất cả các nguồn cà phê cung ứng bị “ém lại”, hoặc mua rất căng để chạy về châu Âu trước khi châu Âu áp dụng EUDR.
Hội đồng châu Âu (EC) vừa qua đã có thông báo chưa áp dụng EUDR vì các nước sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ chưa kịp chuẩn bị. Do luật này mà cà phê không xuất đi được, bị ém lại và đẩy giá lên cao, từ đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Một lượng lớn sản phẩm được các nhà kinh doanh thu mua để đưa về châu Âu trước tháng 12/2024. Bây giờ, do EUDR chưa được áp dụng nên những lô hàng này lại tập trung về các nước tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, ai cũng cố gắng bán ra làm giá cà phê sụt giảm.
Giá cà phê Việt Nam vượt đỉnh lịch sử
Mặt khác, giá cà phê trên thị trường kỳ hạn bị giảm bớt còn vì nhiều lý do, mà nguyên nhân lớn nhất là đến từ các quỹ đầu cơ, khi họ thấy rằng chỉ số USD tăng mạnh quá nên phải bán ra.
Theo ông Bình, ngay từ đầu niên vụ mới đã xuất hiện quá nhiều khó khăn. Có thể những khó khăn này sẽ kéo dài đến đầu năm 2025, khi các nhà kinh doanh quốc tế giải quyết hết lượng hàng họ đã mua vội trước đó.

“Khi đó giá cà phê sẽ ổn định hơn nhưng cơ hội tăng giá trở lại để lên đỉnh như trước xem như không còn. Trong điều kiện thị trường cà phê hiện nay chúng ta cần kinh doanh theo chất lượng, chứ đừng chạy theo số lượng”, chuyên gia phân tích.

Cũng theo ông, khi giá cà phê lên 3.000 USD/tấn, có nhiều nước đã bắt đầu trồng cà phê, như Uganda, Kennia, Tanzani và Ấn Độ, thậm chí là cả Liberia. Vậy nên, trong vài ba năm nữa, sản lượng cà phê thế giới sẽ có một đợt bùng nổ gây thiệt hại lớn cho thị trường, đặc biệt cho nhà nông nếu họ không quay lại với chất lượng. VICOFA cần lưu ý điều này với nhà vườn Việt Nam.
Thảo luận