Sự trở lại của “Zombie” công sở: Căn bệnh ngầm gây tổn thương nền kinh tế Việt
09:26, 2 Tháng Mười Một 2024
Năm 2024, trào lưu “Zombie công sở” quay trở lại khiến nhiều nhà đã trở thành vấn đề đáng lo ngại tại nhiều doanh nghiệp khi người lao động vẫn đi làm nhưng thiếu động lực làm việc, làm việc dưới khả năng.
Sputnik"Zombie công sở" hay “Xác sống công sở” là thuật ngữ được Anphabe, đơn vị tư vấn về giải pháp Thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc, mô tả nhóm người lao động: đi làm nhưng không nỗ lực làm; không có ý định nghỉ việc dù ít gắn kết; hạ gục đồng nghiệp bằng thái độ và hành vi tiêu cực.
Sự gia tăng không mong đợi
Năm 2020, Hồng Nhung ứng tuyển vào vị trí Marketing tại một công ty kinh doanh sản phẩm mẹ và bé ở Hà Nội. Với mức lương là 15 triệu đồng/tháng, Nhung đã gắn bó với công ty 4 năm. Chia sẻ với Sputnik, Hồng Nhung cho biết:
“Thực ra, mình chẳng thích gì công việc này, nhưng cảm thấy quá... lớn tuổi để nghỉ việc. Bạn bè đều khuyên mình nên nhịn vì trước đó có vài người từng nghỉ việc nhưng vài tháng rồi vẫn chưa tìm được chỗ mới tốt hơn. Mình cảm thấy thiếu động lực để làm việc”.
Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, Minh Tuấn, nhân viên IT tại TP. HCM, đến công ty và bật máy tính với tâm trạng uể oải. Anh cho biết, công việc tại công ty không quá nhiều do vậy anh dành phần lớn thời gian lướt mạng xã hội, xem phim, đặt hàng online và tham khảo xem trưa nay ăn gì.
"Với mức lương ít ỏi như thế, tôi nghĩ không nên quá cố gắng, đầu tư làm gì. Cố gắng nhiều thì sẽ bị giao nhiều việc hơn, trách nhiệm nhiều hơn, mà chưa chắc Sếp đã công nhận. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp hết mình với công việc, nhưng sau cùng phải rời đi. Tôi cảm thấy đi làm như một chuyện qua ngày, hết tháng. Cuộc sống thật tẻ nhạt", Tuấn chia sẻ.
Minh Tuấn cũng không biết sẽ cầm chừng được tới đâu vì công ty này không phải là nơi mà Tuấn yêu thích. Tuy nhiên, các lý do như đã già, thời buổi kinh tế khó khăn khó xin được việc, trình độ tiếng Anh không quá tốt… khiến anh chùn bước mỗi khi muốn viết đơn xin nghỉ việc.
Trên đây là những ví dụ điển hình của “Zombie” công sở hiện nay tại
Việt Nam. Theo báo cáo của Anphabe, có đến 88% nguồn nhân lực “Zombie” bày tỏ ý định ở lại với doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với con số 67% vào thời điểm năm 2017.
“Zombie” sống lại do đâu?
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “Zombie” là thiếu động lực. Ông Moz Nguyễn, Giám đốc một công ty IT nước ngoài có trụ sở tại TP. HCM, nhận định với Sputnik:
“Nhân viên không tìm thấy động lực trong công việc thường rơi dễ rơi vào trạng thái này. Họ không có mục tiêu rõ ràng và cảm thấy bị mắc kẹt. Nguyên nhân thứ hai có thể do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng hoặc môi trường làm việc toxic”.
Văn hóa làm việc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trạng thái này. Anh Phạm Văn Hải, nhân viên IT cho biết:
“Nhiều công ty hiện nay vẫn áp dụng văn hóa làm việc cũ kỹ không khuyến khích sự sáng tạo hay đóng góp ý tưởng từ nhân viên”.
Theo bà Hà Thư, một chuyên gia nhân sự, cho rằng áp lực doanh số đối với các nhân viên làm trong các ngành như tài chính ngân hàng, bất động sản v.v. cũng là một yếu tố không thể bỏ qua.
Hệ lụy của trạng thái “Zombie”
Trạng thái đi làm kiểu “xác sống” không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tác động đến toàn bộ doanh nghiệp. Nếu xét ở quy mô lớn hơn là cả nền kinh tế. Theo ghi nhận của Sputnik, các công ty có tỷ lệ nhân viên “Zombie” cao thường gặp khó khăn trong việc duy trì năng suất và sáng tạo.
“Trong một đội ngũ nhiều zombie, những người còn lại cũng bị ảnh hưởng và không thể phát huy hết khả năng của mình”, anh Quang Huy, trưởng nhóm Marketing tại một công ty công nghệ tại TP. HCM chia sẻ với Sputnik.
Đứng từ góc độ của người quản lý, rất khó để có thể sa thải nhân viên “Zombie”. Bà Hoàng Trang, Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp xuất nhập khẩu bông vải sợ tại TP. HCM, cho biết:
“Những nhân viên “xác sống” luôn hoàn thành công việc ở mức vừa đủ. Do vậy, nếu chỉ dựa vào KPI thì họ vẫn làm đúng, không vi phạm điều gì. Tuy nhiên, hiệu suất công việc của họ không đáp ứng được gì nhiều cho công ty. Hơn nữa, không thể sa thải họ khi doanh nghiệp thiếu người”.
Giải pháp hồi sinh “xác sống”
Theo chuyên gia nhân sự Nguyễn Thị Hạnh, giải pháp quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chú trọng hơn tới việc tìm hiểu, phát triển và phát huy năng lực của nhân viên thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao nghiệp vụ và tạo động lực thích hợp.
“Đồng thời, chính bản thân nhân viên cũng cần tự nhận diện và nỗ lực thay đổi bản thân. Họ cần xác định rõ định hướng sự nghiệp, nghiêm túc tìm kiếm cơ hội phù hợp thay vì chấp nhận trạng thái làm việc uể oải”, bà Hạnh cho biết thêm.
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, giải quyết vấn đề “zombie” công sở là cấp thiết, không chỉ nâng cao hiệu quả doanh nghiệp mà còn để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.