Doanh nghiệp “sơ sinh” 19 ngày trúng đấu giá bất thường 3/4 mỏ khoáng sản ở Hà Tĩnh

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Trọng Tín, doanh nghiệp “sơ sinh” mới 19 ngày tuổi ở Hà Tĩnh, bất ngờ vượt qua 21 công ty khác để trúng đấu giá 3/4 mỏ khoáng sản với mức giá cao ngất ngưỡng.
Sputnik
Diễn biến phiên đấu giá và mối quan hệ giữa một cổ đông Công ty Trọng Tín với người đại diện công ty đấu giá bị dư luận phản ánh có nhiều bất thường. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký văn bản hỏa tốc giao Công an tỉnh vào cuộc kiểm tra, làm rõ vụ việc.

Hà Tĩnh kiểm tra việc đấu giá khai thác khoáng sản

Theo báo CAND, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký văn bản hỏa tốc số 6564/UBND-NL gửi Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Sở Tài chính cùng UBND các huyện Thạch Hà, Hương Khê và thị xã Kỳ Anh về việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tăng cường quản lý nhà nước về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trong công văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương nói trên và các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đợt 1 năm 2024.
Đồng thời, giao Sở TN&MT phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện nội dung trên; tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án “đất vàng” thành nơi chăn bò, Bộ Công an yêu cầu Hà Tĩnh cung cấp tài liệu

Diễn biến kỳ lạ của 4 mỏ đất được đấu giá

Trước đó, ngày 21/10/2024, Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật (TP. Hà Tĩnh) đã đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đợt 1 năm 2024 đối với 4 mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Các mỏ khoáng sản đấu giá bao gồm: mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1 tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà có diện tích 8,63 hecta, trữ lượng tài nguyên dự báo là 1.440.366 m3; mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 1 tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà có diện tích 17,28 hecta, trữ lượng tài nguyên dự báo là 2.770.811 m3; mỏ đất làm gạch, ngói tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê có diện tích 20,65 hecta, trữ lượng tài nguyên dự báo là 2.279.711 m3; mỏ cát Cụp Bàu tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh có diện tích 49,68 hecta, tài nguyên dự báo là 1.987.200 m3.
Trong số 21 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1, có 12 hồ sơ hợp lệ được xét chọn để tham gia đấu giá. Sau vòng 1, có 3 doanh nghiệp đưa ra mức giá cao nhất để tham gia đấu giá vòng tiếp theo. Tuy nhiên, cả 3 doanh nghiệp này sau đó đều từ chối đấu giá vòng 2. Kết quả, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Trọng Tín (Công ty Trọng Tín, có địa chỉ tại TP. Hà Tĩnh) trả giá cao nhất vòng 1 đợc công bố trúng đấu giá, giá trúng đấu giá là Rđg = 36,6%.
Theo kết quả đánh giá sơ bộ về tài nguyên dự báo, giá khởi điểm, giá trúng đấu giá Mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1 tạm tính có giá khởi điểm gần 1,9 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 23,257 tỷ đồng.
Với mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 1, có 17/20 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ. Có 3 doanh nghiệp đưa ra 3 mức giá cao nhất được vào vòng tiếp theo nhưng cả 3 doanh nghiệp từ chối đấu giá vòng 2. Kết quả, Công ty TNHH Xây dựng và thương mại vận tải An Bình (TP. Hà Tĩnh) trả giá cao nhất và hợp lệ tại vòng 1 được chọn trúng đấu giá, giá trúng là Rđg = 40,5%. Mỏ Lưu Vĩnh Sơn 1 có giá khởi điểm 3,483 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 49,5 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp Hàn vừa giành được quyền phân phối độc quyền than chì Việt Nam
Với mỏ đất làm gạch, ngói xã Hà Linh có 14/18 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ. Tương tự các mỏ trên, 3 doanh nghiệp trả giá cao từ chối đấu giá vòng 2 với mức giá khởi điểm là: Rkđ = 37,5%; bước giá: 0,5%. Kết quả, Công ty Trọng Tín trả giá cao nhất vòng 1 trúng đấu giá, giá trúng là Rđg = 37,5%. Mỏ đất này có giá khởi điểm 7,5 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 62,529 tỷ đồng.
Mỏ cát khu vực Cụp Bàu tại phường Kỳ Phương (TX. Kỳ Anh), có 16/20 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ. Một lần nữa, 3 doanh nghiệp trả giá cao nhất được chọn cũng từ chối đấu vòng 2 nên Công ty Trọng Tín được chọn trúng đấu giá vì đưa ra giá cao nhất tại vòng 1, giá trúng là Rđg = 63,5%. Mỏ cát Cụp Bàu có giá khởi điểm 9,5 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 134,152 tỷ đồng.
Ngày 30/10/2024 Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có Văn bản số 4929/STNMT-KS báo cáo và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 4 mỏ khoáng sản nói trên cho 2 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do dư luận phản ánh phiên đấu giá khoáng sản nói trên của Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật có nhiều bất thường, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chưa phê duyệt kết quả trúng đấu giá.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương liên quan rà soát, kiểm tra việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đợt 1 năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ TN&MT.

Doanh nghiệp “sơ sinh”

Được biết, Công ty Trọng Tín chỉ mới được thành lập vào ngày 4/10/2024, do ông Đặng Lưu Công (sinh năm 1986), quê tại tỉnh Nghệ An làm Chủ tịch HĐQT. Công ty có vốn điều lệ là 5 tỷ đồng.
Kỳ lạ ở Hà Tĩnh: Cán bộ xã đòi dân phải xét nghiệm ADN mới làm giấy khai sinh
Ngoài ra, Công ty Trọng Tín còn có 3 cổ đông khác đồng sáng lập gồm: Trịnh Đức Thắng (sinh năm 1987), Lê Văn Thành (sinh năm 1992), cùng trú tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà và ông Nguyễn Khắc Hải (sinh năm 1987), trú tại phường Thạch Quý (TP. Hà Tĩnh). Tỷ lệ góp vốn của 4 cổ đông nói trên là như nhau, mỗi người 25% cổ phần.
Đáng chú ý, ông Trịnh Đức Thắng là em vợ của ông Trần Tuấn Nhật – người đại diện điều hành tất cả mọi hoạt động của Công ty đấu giá Hợp danh Minh Nhật.
Ngoài ra, dư luận băn khoăn việc một doanh nghiệp mới 19 ngày tuổi liệu đã đủ năng lực, kinh nghiệm để tham gia đấu giá và thực hiện khai thác khoáng sản đối với các dự án lớn hàng trăm tỷ đồng.
Theo Luật đấu giá cũng như nội dung Quyết định số 1707/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 12/7/2024 phê duyệt Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 4 mỏ nói trên, “hồ sơ đủ điều kiện tham gia đấu giá phải có văn bản giới thiệu năng lực, kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; giới thiệu năng lực tài chính và khả năng huy động tài chính; kế hoạch sơ bộ về đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm”.
Về điều này, báo CAND dẫn lời ông Nguyễn Anh Sơn - Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, qua thẩm định hồ sơ, Công ty Trọng Tín có đầy đủ các văn bản, hồ sơ theo quy định nên tổ thẩm định đã phê duyệt.
Về năng lực, kinh nghiệm và khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, ông Sơn cho biết tổ thẩm định chỉ xem qua hồ sơ, thấy đầy đủ và hợp lệ thì duyệt chứ không có chức năng thẩm tra, kiểm duyệt trên thực tế.
TP.HCM ban hành quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa
Được biết, với mỏ đất làm gạch, ngói xã Hà Linh, Công ty Trọng Tín chưa từng có kinh nghiệm, chưa có nhà máy gạch ngói tuynel (đầu ra); các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn tỉnh cũng chưa cam kết sẽ tiêu thụ, không rõ liệu doanh nghiệp này sẽ xoay xở ra sao để tiêu thụ sản phẩm là đất làm gạch, ngói sau khi khai thác.
Riêng với mỏ cát khu vực Cụp Bàu, theo kế hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, thời hạn cấp phép khai thác không quá 2 năm kể từ ngày cấp phép. Giới chuyên môn nhận định, với thời gian quá ngắn như vậy, Công ty Trọng Tín sẽ không kịp thu hồi vốn.
Theo quy định hiện hành, vốn chủ sở hữu của đơn vị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải cao hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản. Với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, Công ty Trọng Tín sẽ không đủ điều kiện cấp phép theo quy định tại Điều 53, Luật Khoáng sản.
Về vấn đề này, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã nắm được vụ việc. Nhận định bước đầu, về quy trình đấu giá thì không có vấn đề gì, doanh nghiệp đấu trúng với giá cao thì ngân sách Nhà nước có lợi. Tuy nhiên, việc bước giá cao bất thường và một doanh nghiệp trúng 3/4 mỏ là điều không bình thường.
Thảo luận