Thí điểm taxi bay tại Việt Nam, cần lưu ý vấn đề an ninh hàng không

Thông tin một tỉnh miền Trung Việt Nam đề xuất xây dựng đề án thí điểm taxi bay trên địa bàn nhằm thu hút và phát triển du lịch, đang thu hút nhiều ý kiến. Để khai thác tại Việt Nam, theo chuyên gia cần lưu ý đến vấn đề an ninh và quốc phòng. Ngoài ra, cần kiểm soát số lượng, tần suất bay và giới hạn vùng hoạt động và tầm cao.
Sputnik
Nhằm nỗ lực đổi mới và phát triển du lịch, Bình Định - một tỉnh có bờ biển đẹp mong muốn triển khai dự án taxi bay như một dịch vụ vận chuyển hiện đại. Theo đó, tỉnh này vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để xây dựng đề án thí điểm taxi bay trên địa bàn.
Taxi bay sử dụng máy bay nhỏ chạy bằng điện, cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, vận chuyển khoảng 4-5 người. Phương tiện này được kỳ vọng, không chỉ là một phương tiện vận chuyển độc đáo và đột phá, mà còn là một trải nghiệm ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên của địa phương từ trên cao, tạo nên một phương thức di chuyển mới lạ và đầy hấp dẫn trong ngành du lịch.
Việc đầu tư xây dựng bãi đáp là đủ để triển khai dịch vụ này. Đặc biệt, khi cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dịch vụ taxi bay, tỉnh cũng sẽ khuyến khích xây dựng nhà máy lắp ráp tại tỉnh và thử nghiệm khai thác tại địa phương. Nếu thành công sẽ tạo tiền đề cho tỉnh phát triển sau này.
Bình Định muốn thí điểm taxi bay trên địa bàn
Về mặt lý thuyết, taxi có nhiều loại hình, như đường bộ, đường thủy và hàng không. Trên thực tế, một số nơi đã hình thành và đưa vào sử dụng phương tiện này. Do đó, thành hay bại của dự án phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng người dân.
Việc triển khai dịch vụ này đòi hỏi một kế hoạch thử nghiệm chi tiết, lộ trình thí điểm rõ ràng và xây dựng hành lang pháp lý vững chắc trước khi đưa vào khai thác chính thức. Đây là quan điểm của PGS. TS. Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Đại học Giao thông vận tải khi trao đổi với Sputnik.

“Theo tôi, trước mắt nên cho làm thí điểm trong thời gian từ 1-2 năm, để rút kinh nghiệm, xem xét những cái được - mất. Sau đó, mới cấp phép đưa vào hoạt động chính thức. Để chính thức duy trì hoạt động, còn phụ thuộc nhiều yếu tố”, ông chia sẻ.

Hiện nay, loại hình vận tải mới mẻ này chưa có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, nhiều quốc gia đã bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm loại hình vận tải hành khách này, như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ, UAE, Hàn Quốc và một số quốc gia khác.
Multimedia
Thử nghiệm 'taxi bay' điện đầu tiên ở Nhật Bản
Với những lợi ích tiềm năng mà taxi bay có thể mang lại, việc triển khai loại hình vận tải này tại Việt Nam đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo tính khả thi, an toàn và hiệu quả trước khi đưa dịch vụ này vào khai thác chính thức.
“Tại Bình Định có sân bay lưỡng dụng, vừa dành cho quân sự, vừa là dân dụng. Khi khai thác, cần lưu ý đến vấn đề an ninh và quốc phòng. Ngoài ra, cần kiểm soát số lượng, tần suất bay và giới hạn vùng hoạt động và tầm cao. Làm sao để quản lý vùng trời sao cho thông thoáng và kiểm soát không lưu, không để ảnh hưởng đến máy bay cất hạ cánh, đến việc luyện tập của máy bay quân sự, Giảng viên cao cấp Đại học Giao thông vận tải - PGS. TS. Từ Sỹ Sùa lưu ý.
Chuyên gia và nhà phát triển tin rằng, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, taxi bay sẽ trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi, giống như các phương tiện giao thông truyền thống hiện nay. Bởi công nghệ phát triển mạnh mẽ sẽ giúp giải quyết những thách thức về an toàn, hiệu suất và chi phí, khiến taxi bay trở thành một lựa chọn khả thi và tiện lợi cho việc di chuyển nhanh chóng trong các thành phố đông đúc. Với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, taxi bay sẽ giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và cung cấp phương án di chuyển nhanh chóng, hiệu quả.
Đến năm 2025 taxi bay không người lái có thể bắt đầu phục vụ hành khách tại Moskva
Hành khách hoàn toàn có thể mong đợi về một tương lai gần sẽ được trải nghiệm loại hình dịch vụ này. Mặc dù mô hình taxi bay này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và phát triển. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và thử nghiệm là những bước đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ này, với mục tiêu triển khai một dịch vụ giao thông mới trong tương lai gần.
Thảo luận