Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi các nguồn điện than, khí sẽ gặp nhiều khó khăn trong nguồn cung, theo Thanh Niên.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xem xét phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam là cần thiết nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng; đồng thời đáp ứng nhiệm vụ kép là vừa cung cấp điện nền, vừa là nguồn điện xanh, bền vững, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" năm 2050.
Về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ cho hay, thực hiện chủ trương đầu tư các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2009, Chính phủ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án và đã hợp tác với phía Nga (dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.
Các tư vấn của Nga và Nhật Bản đã hoàn thành khảo sát, lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án để EVN trình Chính phủ phê duyệt.
Theo Chính phủ, các địa điểm này đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Chính phủ cũng cho biết, sau khi các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 dừng thực hiện năm 2016, các địa điểm này đã được quy hoạch làm đất dự trữ cho năng lượng để có thể tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân khi có chủ trương tái khởi động điện hạt nhân. Hiện nay các địa điểm này vẫn đang được quản lý tốt.
Do đó, việc sử dụng các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân trong thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm.
Về giải pháp thực hiện, Chính phủ cho biết, sẽ lập quy hoạch phát triển điện hạt nhân để làm rõ tiềm năng phát triển các loại hình điện hạt nhân, xác định các vị trí tiềm năng khác, khả thi để đặt nhà máy điện hạt nhân.
Cùng đó, xem xét quy mô, thời điểm xuất hiện các tổ máy điện hạt nhân trong rà soát, tính toán điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Chính phủ cũng khẳng định sẽ xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trong tình hình mới, đào tạo, phát triển xây dựng nguồn nhân lực điện hạt nhân.
Nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực điện hạt nhân. Tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục triển khai các dự án này. Hình thành cơ quan chuyên trách về quản lý nhà nước đối với điện hạt nhân…
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội cho biết, cơ quan thẩm tra Quốc hội thống nhất với sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo tờ trình của Chính phủ.
Nếu Quốc hội đồng ý, việc tiếp tục chủ trương dự án sẽ được đưa vào Nghị quyết kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp.
Trước đó, theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, Hội nghị Trung ương sáng 25/11 đã cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Việc này nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.
Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trước mắt, Trung ương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.
Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Theo Tuổi Trẻ Online, năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được chọn triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), với tổng công suất 4.000MW. Đến năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua.
Năm 2012, Bộ Công Thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy. Dự án dự kiến khởi công năm 2014, sau đó thay đổi thời gian thành năm 2015. Đến tháng 11-2016, Quốc hội ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án.