Ninh Thuận chờ khởi động lại nhà máy hạt nhân

Quốc hội Việt Nam đã đồng ý khởi động lại dự án nhà máy hạt nhân Ninh Thuận. Lãnh đạo tỉnh khẳng định, Ninh Thuận rất vinh dự được gánh một trọng trách quan trọng, là nơi đảm bảo an ninh năng lượng trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Sputnik
Bà con xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) – nơi từng quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cũng mong muốn được ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt.

Sớm làm chủ công nghệ hạt nhân

Như Sputnik thông tin, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vốn bị tạm dừng từ năm 2016.
Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền. Cùng đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó có luật Năng lượng nguyên tử.
Trước khi Quốc hội “bật đèn xanh”, Trung ương Đảng cũng đã thống nhất phải tái khởi động lại chương trình điện hạt nhân Việt Nam và tiếp tục dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chính phủ cũng đã có tờ trình gửi Quốc hội về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo tờ trình của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trình bày trước Quốc hội, hiện nay điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.
Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Tính đến cuối tháng 8 năm 2024, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe, và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe.
Hiện có 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80 GW, cần thêm khoảng 70 GW đến năm 2030 và 400-500 GW đến năm 2050.
Chính phủ khẳng định, phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụngnhư đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng; đáp ứng nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường; chi phí sản xuất điện trung bình của điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các nguồn truyền thống khác; phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.
Năm 2009, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án và đã hợp tác với phía Nga (Dự án Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (Dự án Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Bao giờ Việt Nam tái khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân?
Các địa điểm được lựa chọn đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
“Do đó, việc sử dụng các địa điểm đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân trong thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm”, - Chính phủ nhìn nhận việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Thường trực đã báo cáo 7 nhiệm vụ, giải pháp để triển khai.
Cụ thể, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, phát triển, khai thác, vận hành, bảo vệ, định mức tiêu chuẩn, quy phạm quản lý chất thải các nhà máy điện hạt nhân; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trong tình hình mới; đào tạo, phát triển xây dựng nguồn nhân lực điện hạt nhân.
Đồng thời, nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực điện hạt nhân; tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện đối với Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục triển khai các dự án này.
Ngoài ra, hình thành cơ quan chuyên trách về quản lý nhà nước đối với điện hạt nhân; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi của xã hội đối với chương trình phát triển điện hạt nhân.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng chia sẻ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Lý do Việt Nam muốn xây các nhà máy hạt nhân cỡ nhỏ
Việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cấp thiết, bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân.
Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân; rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến điện hạt nhân.
Cùng với đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
Nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật hiện hành.
“Để tái khởi động dự án này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phù hợp thực tế”, - đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Chính phủ cũng cần đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với tăng tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước nhằm từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân; nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý, rà soát, hoàn thiện pháp luật về điện hạt nhân và nâng cao năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị hạt nhân…

Ninh Thuận đang nóng lòng chờ đợi

Về chủ trương này, ông Trần Quốc Nam,Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, cùng với người dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Thuận “đồng thuận cao” về việc xây dựng dự án điện hạt nhân.
Bình luận về chủ trương tái khởi động điện hạt nhân, ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh: “Ninh Thuận rất vinh dự được gánh một trọng trách quan trọng, là nơi đảm bảo an ninh năng lượng trong kỷ nguyên mới của đất nước”.
Theo Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, hiện nay địa phương vẫn đang đợi Nghị quyết chính thức của Quốc hội về đầu tư dự án điện hạt nhân.
Sau đó, Chính phủ sẽ có một lộ trình các công việc trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân. Căn cứ vào lộ trình của Chính phủ về xây dựng điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận sẽ xây dựng những kế hoạch, công việc cụ thể tiếp sau đó.
Vì sao Việt Nam nên phát triển nhà máy điện hạt nhân?
Đối với tâm tư của người dân tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), nơi từng quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, thì theo ông Nam, bà con mong muốn ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt.
“Ổn định ở đây có nghĩa là không phải bà con ổn định tại vị trí quy hoạch nhà máy điện hạt nhân cũ, mà hiểu là nếu bà con được về nơi tái định cư, nơi di dời mới để nhà nước làm nhà máy, phải là tốt nhất”, - vị lãnh đạo tỉnh bày tỏ.
Thảo luận