Thực tế, Tập đoàn Masan đã hiện diện tại Nyobolt Limited khi Masan High-Tech Materials (mã: MSR) – công ty con Tập đoàn, tại thời điểm cuối quý III/2024 đã sở hữu 21,5% vốn công ty, giá trị ghi sổ đạt 1.439 tỷ đồng. MSR là đầu mối quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư và khai thác dự án Núi Pháo, đồng thời trực tiếp sở hữu tất cả công ty con phục vụ trong hoạt động khoáng sản.
MSR bắt đầu sở hữu cổ phần Nyobolt từ tháng 7/2022 khi H.C. Starck Tungsten GmbH (HCS) - công ty con gián tiếp của MSR đầu tư 45 triệu bảng (52 triệu euro) để mua 15% vốn chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt. Việc trở thành cổ đông của Nyobolt khi ấy được kỳ vọng để hoàn thiện chuỗi giá trị của HCS. Các hợp chất Vonfram từ HCS sẽ là nguyên liệu cho lớp phủ cực anode, pin lithium-ion do Nyobolt chế tạo có công suất cao và khả năng sạc tốc độ cực nhanh.
Đối tượng khách hàng của Nyobolt là các công ty sản xuất xe điện công nghiệp yêu cầu công suất cao, thiết bị tự động hóa (robotics), thiết bị tiêu dùng, công cụ không dây, hệ thống lưu trữ năng lượng và sạc nhanh di động.
Tháng 5 năm nay, MSR công bố đã đạt Thỏa thuận khung với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group). Cụ thể, MMC Group dự kiến sẽ mua 100% vốn H.C. Starck Holding (Germany) GmbH (HCS) từ MSR. Tuy nhiên, phía Masan vẫn giữ cổ phần sở hữu tại Nyobolt Limited.
Masan Group kỳ vọng giao dịch này sẽ cải thiện lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn Masan và góp phần vào mục tiêu giảm nợ ròng trên EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) về mức nhỏ hơn hoặc bằng 3,5x.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan kiêm Chủ tịch MSR chia sẻ:
"Tập trung vào cốt lõi và tối đa hóa giá trị, chúng tôi sẽ tái cấu trúc MSR thành nhà sản xuất vonfram có chi phí tối ưu nhất giúp tối đa hóa dòng tiền. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chiến lược để Tập đoàn Masan tập trung vào phát triển các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi."