Khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ Việt - Hàn

Hàn Quốc coi Việt Nam là một trong những đối tác hợp tác quan trọng nhất, đặc biệt nhất của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực. Dù lãnh đạo Seul là lực lượng nào đi chăng nữa thì quan hệ chính trị và hợp tác chiến lược nhiều mặt với Việt Nam sẽ không có thay đổi.
Sputnik

Khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc. Ông Yoon Suk-yeol chắc sẽ phải đối mặt với án tù và bị xét xử

Ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở nước này. Yoon Suk-yeol nhấn mạnh mục đích của việc đưa ra quyết định như vậy là “để tiêu diệt tận gốc các lực lượng thân Triều Tiên và bảo vệ trật tự hiến pháp”. Ông ta gọi Quốc hội do Đảng Dân chủ (Toburo) kiểm soát - đảng đối lập với tổng thống là “một nhóm tội phạm” và cáo buộc phe đối lập đang cố gắng làm tê liệt công việc của chính quyền thông qua việc luận tội.
Tham mưu trưởng quân đội Park Ahn-soo, chỉ huy trụ sở thiết quân luật, cho biết kể từ ngày 3/12, “Quốc hội, hội đồng địa phương, đảng phái chính trị, hiệp hội chính trị và các cuộc biểu tình đều bị cấm”, kiểm duyệt nhà nước được áp dụng.
Đảng Dân chủ kêu gọi những người ủng hộ đến Quốc hội, bất chấp việc lệnh thiết quân luật cấm mọi cuộc biểu tình và những người biểu tình có nguy cơ bị bắt giữ. Trước tin này, đồng won Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm so với USD (1.427,10/USD).
Những diễn biến vừa qua tại Hàn Quốc chưa có tác động tới cộng đồng người Việt tại đây
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, nếu Quốc hội bằng đa số phiếu yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật thì tổng thống phải chấp thuận. Bất chấp việc lực lượng quân đội tập trung tại tòa nhà Quốc hội, các thành viên quốc hội vẫn tiến vào tòa nhà. Rạng sáng 4/12, Quốc hội Hàn Quốc họp khẩn và thông qua quyết định yêu cầu Yoon Suk-yeol dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. 190 trong số 300 đại biểu Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ điều này. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã phải chấp thuận. Han Dong-hoon, lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (mà Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng là đảng viên của Đảng này) cho biết, ông sẽ "làm việc với các nhà lập pháp để ngăn chặn" việc ban bố tình trạng thiết quân luật bất hợp pháp. Theo ông, Đảng không biết gì về kế hoạch của Tổng thống.
“Quyết định của Tổng thống Hàn Quốc liên quan đến những nỗ lực tiến hành thủ tục luận tội ông. Ông ta muốn dùng lực lượng quân đội để chống lại sức ép chính trị ngày càng lớn nhắm vào mình. Không có một lý do chính đáng nào để có thể đưa ra một lệnh như thế. Thiết quân luật ở Hàn Quốc là kết quả của một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Kết cục của Tổng thống Hàn Quốc sẽ không có gì là tốt đẹp”, - PGS – TS Hoàng Giang, chuyên gia quan hệ quốc tế nói với Sputnik.
Đảng Dân chủ - lực lượng đối lập chính ở Hàn Quốc đã yêu cầu trừng phạt Tổng thống nước này, bất chấp việc ông ta đã cho rút lực lượng quân đội và hủy tình trạng thiết quân luật. Đại diện Đảng Dân chủ Park Chang Dae lưu ý rằng sau sự kiện này, Tổng thống không còn khả năng điều hành nhà nước nữa và cần phải bị cách chức và bị bắt giữ.

“Ông Yoon Suk-yeol chắc sẽ phải đối mặt với án tù và bị xét xử. Hàn Quốc từ lâu đã rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị. Tỷ lệ ủng hộ Yoon Suk-yeol đã giảm đáng kể trong xã hội do việc áp dụng các quyết định không được lòng dân, như việc xích lại gần hơn với Nhật Bản và phát biểu của chính trị gia này về thời kỳ thuộc địa, ông ta nói rằng nó “không quá tệ” đối với sự phát triển của đất nước”, - PGS – TS Hoàng Giang, chuyên gia quan hệ quốc tế phát biểu, trả lới phỏng vấn cho Sputnik.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin hôm thứ Tư ngày 4/12, Đảng Dân chủ và năm đảng đối lập nhỏ hơn đã đưa ra đề xuất tước quyền tổng thống của Yoon Suk-yeol. Phe đối lập có kế hoạch đưa đề xuất ra bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 6-7/12.

Hợp tác chiến lược toàn diện của Hàn Quốc với Việt Nam sẽ không có thay đổi

Chiều 5/12, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, đề cập tới các diễn biến chính trị trong những ngày qua tại Hàn Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Là quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến tình hình hiện nay tại Hàn Quốc. “Chúng tôi tin tưởng rằng, Hàn Quốc sẽ sớm ổn định tình hình và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, - bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
“Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đánh giá về quan hệ hai nước, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam từng nói: Hàn Quốc và Việt Nam là những đối tác đặc biệt nhất và không gì có thể cản trở được sự phát triển của quan hệ hai nước”, - Nhà báo quốc tế Trần Hoàng nói với Sputnik.
Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn không có bất kỳ xung đột lợi ích nào; mối quan hệ song phương mang tính bổ sung cho nhau, cùng có lợi. Trong khuôn khổ hợp tác hai nước Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với Việt Nam và Việt Nam chia sẻ nguồn nhân lực và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với Hàn Quốc. Theo Đại sứ Choi Young-sam, hiện nay hai nước có mối quan hệ đặc biệt không khác gì mối quan hệ "một gia đình".
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối tháng 10/2024, Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt hơn 87,43 tỷ USD, với 10.060 dự án.
Về thương mại song phương, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2024 hiện đã đạt gần 100 tỷ USD. Hai bên nhất trí, đồng thuận tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kim ngạch đạt 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

“Triển vọng hợp tác song phương Việt Nam – Hàn Quốc là rất lớn, nhất là trên nền tảng mối quan hệ đặc biệt như hiện nay. Hai nước đang hướng tới hợp tác tích cực trong các những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp văn hóa... Hàn Quốc coi Việt Nam là một trong những đối tác hợp tác quan trọng nhất của Hàn Quốc trong lĩnh vực chuyển đối xanh. Dù lãnh đạo Seul là lực lượng nào đi chăng nữa thì quan hệ chính trị và hợp tác chiến lược nhiều mặt với Việt Nam sẽ không có thay đổi”, - Nhà báo quốc tế Trần Hoàng đưa ra nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Hàn Quốc cấm 10 sĩ quan rời khỏi nước
Tất nhiên, bất ổn chính trị ở Hàn Quốc cũng tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng hơn. Trong trường hợp có mít tinh, biểu tình phản đối hay bãi công sâu rộng thì cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng. Theo thống kê, tới đầu năm 2024, số lượng công dân Việt Nam sống và làm việc tại nước này là khoảng 201 nghìn người. Việc bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp tình hình căng thẳng hơn cũng đã được tính đến.
Liên quan đến cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, những diễn biến vừa qua tại Hàn Quốc chưa có tác động tới sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam. Và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại nước này khẩn trương theo dõi các diễn biến liên quan và liên hệ ngay với các cơ quan chức năng sở tại, các hội đoàn người Việt Nam để nắm bắt tình hình công dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đã khuyến cáo công dân Việt Nam tuân thủ các quy định và hướng dẫn của nước sở tại, tránh tụ tập đông người và giữ liên lạc.
Thảo luận