Những gì đã rõ về tình hình thiết quân luật ở Hàn Quốc
17:50 04.12.2024 (Đã cập nhật: 19:01 04.12.2024)
© AP Photo / Lee Jin-manCảnh sát đứng bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Seoul, Hàn Quốc.
© AP Photo / Lee Jin-man
Đăng ký
Tối 3 tháng 12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol công bố áp dụng thiết quân luật ở Hàn Quốc trong bối cảnh đang có những nỗ lực làm thủ tục luận tội nguyên thủ quốc gia. Các thiết bị quân sự xuất hiện trên đường phố Seoul, máy bay trực thăng quần đảo trên bầu trời.
Sau đó, thủ lĩnh phe đối lập Lee Jae-myung tuyên bố rằng ông Yoon Suk-yeol không còn là Tổng thống và kêu gọi các công dân kéo đến tòa nhà Quốc hội, còn Nghị viện có thể bỏ phiếu bãi bỏ thiết quân luật.
Từ đâu dấy lên cuộc khủng hoảng trong chính quyền ở Hàn Quốc và những gì đang diễn ra - trong tài liệu của Sputnik.
Thiết quân luật ở Hàn Quốc nghĩa là gì?
Xuất hiện không báo trước với bài phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình YTN vào tối 3 tháng 12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố ban hành chế độ tình trạng khẩn cấp trong nước. Ông cáo buộc phe đối lập hiện kiểm soát Quốc hội và đang cố gắng tiến hành thủ tục luận tội Tổng thống, là «lực lượng có thiện cảm với CHDCND Triều Tiên» đang âm mưu đảo chính và sẽ làm tê liệt công việc của Chính phủ bằng hoạt động chống Nhà nước.
Theo lời ông Yoon, thiết quân luật là cần thiết để bảo vệ trật tự Hiến pháp của đất nước và tiêu diệt «lực lượng thân Triều Tiên hèn hạ». “Bằng cách tuyên bố thiết quân luật, tôi sẽ khôi phục và bảo vệ một nước Hàn Quốc tự do", ông Yoon tuyên bố và nói thêm rằng quyết định này là “không thể tránh khỏi”.
Sau đó, các thiết bị quân sự xuất hiện trên đường phố, máy bay trực thăng quần đảo trên bầu trời. Tất cả các tiểu đoàn của quân đội Hàn Quốc nhận lệnh chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Chính thức cấm các hoạt động của Quốc hội, các đảng phái chính trị và hiệp hội xã hội, cho đến khi thiết quân luật được dỡ bỏ, như hãng tin Yonhap đưa tin hôm 3 tháng 12, dẫn lời vị chỉ huy thiết quân luật là Tham mưu trưởng lục quân Park An-su.
Lệnh cấm cũng áp dụng với hoạt động của các cơ quan lập pháp địa phương và việc tiến hành mit-tinh biểu tình. Ngoài ra, liên quan với tình trạng thiết quân luật trong nước, áp dụng kiểm soát toàn bộ các phương tiện truyền thông và ấn phẩm.
Tuy nhiên, sau đó thủ lĩnh phe đối lập Lee Jae-myung đưa ra tuyên bố rằng Yoon Seok-yeol không còn là Tổng thống và hô hào các công dân kéo đến tòa nhà Quốc hội ở Seoul. Trong khi đó, luật pháp Hàn Quốc cho phép bãi bỏ thiết quân luật nếu có sự ủng hộ của đa số thành viên Quốc hội. Cảnh sát ủng hộ Tổng thống bắt đầu xông vào tòa nhà Quốc hội để ngăn cản các nhà lập pháp dỡ bỏ thiết quân luật. Tuy vậy, kết quả là Nghị viện Hàn Quốc đã bỏ phiếu chấm dứt tình trạng thiết quân luật.
Hình ảnh ghi lại từ hiện trường cho thấy các nghị sĩ đã cố gắng chặn cửa vào tòa nhà bằng những chiếc ghế băng và vật dụng ngẫu nhiên để ngăn không cho binh lính đột nhập. Khi các quân nhân cố gắng phong tỏa lối đi, đám đông đã mang bình cứu hỏa phun về phía họ.
Kết quả là các nhân viên công lực Hàn Quốc đã rời khỏi Quốc hội nhưng hàng chục binh sĩ mang súng ống vẫn có mặt gần tòa nhà.
Trong khi đó, Tham mưu trưởng Lục quân Park An-su đã ký lệnh cho phép bắt giữ những đối tượng vi phạm chế độ thiết quân luật ở Hàn Quốc mà không cần trát toà.
Còn Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính nước Cộng hòa Choi Sang-mok tuyên bố rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết với mục tiêu giảm thiểu hậu quả của thiết quân luật đối với thị trường tài chính và ngoại hối của đất nước.
Cùng lúc này thủ lĩnh phe đối lập Hàn Quốc Lee Jae-myung cũng kêu gọi quân nhân và cảnh sát không tuân theo mệnh lệnh “vi hiến và bất hợp pháp” của Tổng thống, như tin đưa của tờ The Korea Herald.
Nguyên nhân toan tính đảo chính ở Hàn Quốc
Từ năm 2020, phần lớn trong số 300 ghế nghị sĩ thuộc về Đảng Dân chủ đối lập «Toburo», tuy nhiên, đảng này vẫn không giúp được ứng viên Lee Jae-myung của đảng vượt lên trước ứng viên Yoon Suk-yeol trong cuộc đua bầu cử Tổng thống năm 2022. Kể từ đó, Chính phủ do Tổng thống lãnh đạo đã vấp phải sự chống đối của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Tháng 4 năm 2024, trong nước tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội kế tiếp. Theo kết quả bỏ phiếu, đảng “Quyền lực của nhân dân” thân Tổng thống đã không thể giành được đa số phiếu.
Trong 8 tháng qua, phe đối lập đã thực hiện 22 nỗ lực nhằm buộc nhiều quan chức khác nhau phải từ chức.
Phản ứng trên thế giới
CHDCND Triều Tiên hiện thời chưa bình luận gì về tình hình ở phía nam bán đảo.
Các sự kiện ở Hàn Quốc cho thấy tình hình đất nước diễn biến khó lường dưới góc độ ổn định. Không ngẫu nhiên mà Triều Tiên phải quan tâm đến an ninh của nước mình, bà Maria Zakharova đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố trên đài phát thanh Sputnik.
Đại sứ quán Nga tại Seoul kêu gọi kiều bào Nga “giữ bình tĩnh, làm theo khuyến nghị của chính quyền và không tham gia các sự kiện công cộng, đặc biệt là các sự kiện theo hướng chính trị”.
Liên Hợp Quốc lo ngại theo dõi sát tình hình ở Hàn Quốc, ông Stephane Dujarric đại diện chính thức của Tổng thư ký tổ chức thế giới tuyên bố tại cuộc họp báo ngắn.
Hoa Kỳ duy trì liên lạc với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về tình hình ở Hàn Quốc, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngắn thường lệ.
Chính quyền Washington đánh giá tích cực việc dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật ở Hàn Quốc và trông đợi rằng chính quyền nước này sẽ giải quyết các vấn đề tranh cãi theo con đường hòa bình, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố.
Tỷ phú Elon Musk gọi tình hình ban hành và dỡ bỏ thiết quân luật ở Hàn Quốc là cú sốc.