Ông Nghiêm Giới Hòa là người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương - những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Năm 2023, Tập đoàn Thái Bình Dương đạt doanh thu gần 80 tỉ USD.
Đây là lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp doanh nhân này.
Đón chào ông Nghiêm Giới Hòa và lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc các doanh nghiệp Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư tại Việt Nam góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, cũng như đóng góp vào sự phát triển của cả hai quốc gia Việt Nam-Trung Quốc.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt Nam- Trung Quốc “vừa là đồng chí, vừa là anh em” đang phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện; nhất là lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm "6 hơn."
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc có vai trò hết sức quan trọng.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị tập đoàn Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Trung Quốc nghiên cứu tham gia xây dựng cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi qua sông Hồng; metro hoặc đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) và sân bay Long Thành (Đồng Nai); tuyến đường sắt xuyên biên giới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng...
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán trong triển khai các dự án, với "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển".
Ông Nghiêm Giới Hòa và đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết sẽ nghiên cứu tham gia vào các lĩnh vực, dự án mà Thủ tướng đề cập. Ông cam kết sẽ triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và giá thành hợp lý, "đẹp nhất, rẻ nhất, tốt nhất, nhanh nhất". Ông cũng khẳng định các tập đoàn tin tưởng Việt Nam, coi Việt Nam đây là quê hương thứ hai, chung bước phát triển.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, dài 38,43 km (gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất), 21 ga và 2 khu depot.
Metro số 5 sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long. Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.
Phần lớn chiều dài metro sẽ chạy giữa các tuyến đường bộ hiện hữu, đoạn từ Liễu Giai đến Trần Duy Hưng chạy ngầm giữa đường nên có thể tiết kiệm chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng. Hàng chục km của dự án đi nổi trên đại lộ Thăng Long cũng nằm ở giữa dải phân cách, ít phải làm cầu, hầm và không ảnh hưởng đến các công trình liên quan nên thời gian thi công sẽ được rút ngắn.
Metro Văn Cao - Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, phân kỳ hai giai đoạn, 2016-2020 và 2020-2030. Tuy nhiên, thời điểm triển khai giai đoạn 2016-2020 đã qua nên mục tiêu là đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025.