HĐND Hà Nội "chốt" thí điểm hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình

Sáng ngày 12/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Sputnik
Sáng ngày 12/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Nghị quyết cũng đặt ra một biện pháp phải áp dụng trong vùng phát thải thấp. Theo đó, khu vực này chỉ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Khu vực này cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp. Hạn chế hoặc cấm xe ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe môtô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/ thời điểm hoặc khu vực.
Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền khu vực phát thải thấp đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Hà Nội sẽ giải quyết ô nhiễm không khí bằng cách nào?
Cùng với đó, đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải. Đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp; các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.
Nghị quyết cũng nêu rõ có 4 mức tiêu chuẩn khí thải (gồm: Mức 1, Mức 2, Mức 3, Mức 4) là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của phương tiện giao thông đường bộ quy định tại TCVN 6438:2018 và sửa đổi 01:2021 TCVN 6438:2018 - Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải.
Trước đó, thẩm tra nội dung này, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho rằng, đây là nội dung lớn, có yếu tố chuyên môn, chuyên ngành phức tạp, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
Cơ quan này đề nghị cần phải xem xét, đánh giá thận trọng, cũng như mang tính tổng thể, định hướng.
UBND TP Hà Nội cho biết đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các Sở Giao thông vận tải, Quy hoạch kiến trúc, Tư pháp xây dựng dự thảo nghị quyết.
Quận Hoàn Kiếm sắp cấm ô tô, xe máy xăng gây ô nhiễm
Bên cạnh đó, Hà Nội đã tổ chức các hội thảo chuyên môn xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giao thông, môi trường và UBND quận, huyện, thị xã.
Đồng thời, Hà Nội đã đăng tải dự thảo nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của thành phố để lấy ý kiến, góp ý rộng rãi của cộng đồng. Ban cán sự Đảng UBND thành phố cũng đã thống nhất chủ trương như nội dung dự thảo nghị quyết.
Đến tháng 8, Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Thảo luận