Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu khẩn trương hoàn thành sắp xếp bộ máy và không để ách tắc công việc sau tinh gọn.
Gộp 2 Bộ GTVT và Xây dựng: Không phân biệt bên anh bên tôi
Như đã thông tin, Chấp hành nghiêm chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT sẽ hợp nhất làm một. Hiện hai Bộ đã làm xong đề án sáp nhập trình lên Chính phủ.
“Hiện nay, Bộ Xây dựng đã khẩn trương, tích cực làm việc với Bộ GTVT để xây dựng Đề án hợp nhất 2 Bộ. Về cơ bản, công tác xây dựng báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và dự thảo Đề án hợp nhất đến nay đã hoàn thành”, - đại diện Bộ Xây dựng thông tin.
Thông tin từ cổng TTĐT Bộ Xây dựng cũng nêu, Bộ Xây dựng là Bộ có cơ cấu tổ chức tinh gọn nhất trong 4 nhiệm kỳ Chính phủ gần đây.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, cơ cấu tố chức của Bộ đến nay chỉ còn 15 đơn vị hành chính; đã giảm số lượng phòng trong các đơn vị hành chính từ 54 phòng xuống còn 46 phòng (tương đương 28%); giảm 74/532 đầu mối tương đương 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp.
Bộ Xây dựng cũng đã chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 5 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp. Hiện tại, Bộ chỉ còn đại diện chủ sở hữu tại 6 doanh nghiệp, giảm 10 doanh nghiệp, tương đương 62,5% tổng số doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc trước đó.
Số lượng chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng giảm 7,5%. Đến năm 2024, Bộ chỉ còn khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 380 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Trong điều kiện bộ máy tổ chức và số lượng biên chế đã tinh gọn qua nhiều nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo việc xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT với 2 yêu cầu lớn. Đó là nghiêm túc rà soát, đánh giá tổ chức bộ máy bên trong Bộ Xây dựng để lên phương án tiếp tục tinh gọn bộ máy; đã tinh gọn thì cần tinh gọn hơn nữa.
Nhận thức Bộ Xây dựng và Bộ GTVT là một, không phân biệt bên anh – bên tôi giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải để thẳng thắn đánh giá các chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, hoặc có sự gắn kết, liên thông.
Qua đó mạnh dạn đề xuất các phương án đột phá để giải thể hoặc hợp nhất, tổ chức lại các đơn vị của 2 Bộ theo hướng tinh gọn, khoa học và nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Theo ông Hoàng Hải Vân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, trước 20/12, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu để Lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ GTVT làm việc với Bộ Nội vụ, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sau hợp nhất, trình Ban chỉ đạo Chính phủ.
Hiện nhiều địa phương hiện cũng đang xây dựng Đề án hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải.
Không để ách tắc công việc sau tinh gọn
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 của ngành xây dựng tổ chức ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, năm 2025 cũng là thời điểm để toàn ngành xây dựng quyết tâm tăng tốc, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, hòa mình vào tâm thế tự tin của đất nước, Đảng, Chính phủ bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tư lệnh ngành cho hay, toàn ngành xây dựng, các đơn vị thuộc diện cơ cấu sắp xếp lại hay không thuộc diện sắp xếp lại vẫn phải chủ động, tập trung để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, đặc biệt là các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển ngành xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2022-2030 và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành xây dựng đến năm 2030.
TTXVN cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu “tập trung cao nhất cho công tác sắp xếp bộ máy, tinh gọn mạnh, hiệu năng hiệu quả trong hoạt động”.
Bộ Xây dựng cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương này.
“Cần khẩn trương quyết tâm rất cao về nhận thức và hành động trong cấp ủy đảng, người đứng đầu”, - vị tư lệnh ngành nói.
Ông Nghị nhắc, mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải quyết liệt trong quá trình thực hiện, bám sát các nguyên tắc của Đảng, cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, hiến pháp, pháp luật và thực tiễn.
Cùng với đó, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương.
“Toàn ngành xây dựng là phải khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp bộ máy. Làm sao sau sắp xếp phải vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, sau sắp xếp phải tốt hơn; không để bỏ trống các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ; không chồng chéo chức năng nhiệm vụ; không để ách tắc trong công việc, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, - Bộ trưởng Xây dựng nhắc lại.
Trong đó, ông Nghị cũng nêu rõ, nguyên tắc là một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, theo chức năng nhiệm vụ…
Năm 2025, ngành xây dựng có 2 Luật phải trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua là Luật Cấp, thoát nước (hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 1/2025) và Luật Quản lý phát triển đô thị, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 2/2025. Cạnh đó còn có các văn bản dưới luật phải hoàn thành như Nghị định quy định chi tiết Luật Thủ đô quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm, trình Chính phủ trong tháng 4/2025; Nghị định về cây xanh và công viên công cộng đô thị, trình Chính phủ trong tháng 3/2025…
Đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 cũng còn 2 Nghị định, 2 Thông tư, 1 Quyết định trình Thủ tướng ban hành để kịp thời triển khai Luật này, đồng thời rà soát, sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan.
Đánh giá khối lượng công việc rất lớn cùng với việc tăng cường rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đánh giá tác động của luật, cơ chế chính sách đã ban hành, Bộ trưởng yêu cầu sớm phát hiện những vướng mắc, bất cập.
Từ đó chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo yêu cầu thực tiễn, xử lý những vướng mắc, bất cập trong thực thi; thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan.
Nhiều cá nhân xuất sắc
Ngày 14/12, cũng tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng vinh dự được đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba; ông Phạm Văn Bắc - nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng và ông Nguyễn Mạnh Khởi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Ông Phạm Tiến Văn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Cùng nhân dịp này, ông Nguyễn Anh Tú - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhà ở và thị trường bât động sản (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản) được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 tập thể và 11 cá nhân được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành xây dựng.