Bộ ước tính, hiện có khoảng 81.000 hộ và cá nhân kinh doanh nợ thuế trên 50 triệu đồng.
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước với 9 Luật và 1 pháp lệnh quan trọng
Chiều 20-12, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV thông qua.
Các Luật được công bố đó gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng không Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công; Luật Điện lực; Luật Địa chất và khoáng sản); 1 pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua tại Phiên họp thứ 40 (Pháp lệnh Chi phí tố tụng).
Đề xuất nợ thuế trên 50 triệu mới bị hoãn xuất cảnh
Tại lễ công bố, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), cho biết luật Quản lý thuế hiện hành quy định: người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định thì bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Tại luật sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, Quốc hội giao Chính phủ quy định ngưỡng về số tiền nợ và thời gian nợ thuế đối với trường hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đồng thời, cơ quan quản lý thuế phải thông báo cho người nộp thuế trước khi áp dụng biện pháp này.
Ông Sơn cho biết thêm, Bộ Tài chính đang chuẩn bị dự thảo nghị định quy định chi tiết luật số 56/2024, để trình lên Chính phủ.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng nợ thuế bị hoãn xuất cảnh đối với cá nhân và hộ gia đình là 50 triệu đồng. Cùng với đó, nâng thời hạn bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế từ 90 lên 120 ngày.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện có khoảng 81.000 hộ và cá nhân kinh doanh nợ thuế trên 50 triệu đồng.
Đại diện Bộ Tài chính lý giải: "Chúng tôi thấy với mức đang dự kiến trình Chính phủ thì với số lượng và theo kinh nghiệm quốc tế mà chúng tôi khảo sát, mức 50 triệu là phù hợp".
Theo đó, dù luật sửa đổi quy định ngưỡng và nâng thời hạn cưỡng chế dài hơn trước đây, quy trình áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế vẫn sẽ thực hiện như hiện hành.
Trước khi áp dụng, cơ quan thuế sẽ có văn bản đôn đốc nộp thuế, tiếp đó là sử dụng các biện pháp như trừ tiền trong tài khoản, thông báo cho người nợ thuế rồi mới cưỡng chế, tạm hoãn xuất cảnh…
“Đây là một trong những biện pháp rất hữu hiệu trong quản lý thuế, nhằm đảm bảo nghĩa vụ liên quan về thuế đối với Nhà nước”, - phía Bộ Tài chính cho biết.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước đó nêu đề xuất cá nhân nợ thuế từ 200 triệu đồng, doanh nghiệp từ 1 tỷ đồng sẽ bị cấm xuất cảnh, thay vì mức 10 - 100 triệu như dự kiến của Bộ Tài chính.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh ngưỡng quy định này là "quá thấp". Bên cạnh đó, việc cấm xuất cảnh trên phạm vi rộng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế, giảm thu ngân sách trong dài hạn.
Thu thuế tăng
Trước đó, số liệu từ tổng cục thuế cho thấy từ đầu năm nay đến nay đã có hơn 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh được ban hành với tổng tiền nợ 80.512 tỷ đồng được cơ quan thuế phát ra.
Cơ quan chức năng đã thu hồi được khoảng 4.289 tỷ đồng của gần 6.500 người nợ thuế trong năm 2024.
Năm 2024, ước tính cơ quan thuế đã thu hồi được 61.227 tỷ đồng nợ thuế, tăng 33,2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, 120 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử. Số thuế họ đã nộp gần 8.690 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Thống kê từ 439 sàn thương mại điện tử, có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam với tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, ngành thuế đã đưa hơn 120.000 doanh nghiệp, cá nhân vào diện rà soát, đôn đốc kê khai, nộp thuế.
Số thuế đã kê khai, nộp từ nhóm này đạt 51.563 tỷ đồng. Cơ quan quản lý về thuế cũng xử lý vi phạm 30.668 trường hợp với số truy thu và phạt gần 1.360 tỷ đồng.