Sau 12 năm thi công, metro đầu tiên của TP. HCM sắp chạy chính thức

Sau thời gian 12 năm thi công xây dựng kể từ năm 2012, tuyến metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên có chiều dài gần 20km sắp “chạm đích”, chính thức đưa đón phục vụ người dân TP. HCM vào ngày 22/12 tới.
Sputnik

Tuyến metro đầu tiên của TP. HCM

Sáng nay ngày 20-12, các lãnh đạo của Bộ Xây dựng, UBND TP. HCM và sở ngành đã kiểm tra thực địa nhà ga, trải nghiệm metro số 1, trước khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố vận hành chính thức.
Theo đó, bắt đầu từ 10h sáng 22/12/2024, toàn bộ 14 nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách. Trong 30 ngày đầu metro số 1 vận hành thương mại, người dân sẽ được miễn phí đi tàu.
Tàu xuất phát tại ga Suối Tiên tới ga Bến Thành với quãng đường 19,7km hết khoảng 29 phút. Với hành trình nhanh, không lo ùn tắc giao thông, metro số 1 sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi từ khu vực bến xe Miền Đông mới về trung tâm thành phố.
Người dân TP.HCM hồi hộp trải nghiệm tuyến Metro số 1 sau nhiều năm đợi chờ
Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên có 11 ga trên cao: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới. Toàn bộ các nhà ga tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thiện và chuẩn bị sẵn sàng vận hành đón khách.
Đặc biệt, có 5 bãi xe buýt kết nối với các ga Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái với tổng diện tích 5.077m2 giúp tăng cường kết nối hành khách với nhà ga tuyến metro số 1.
Trong đó, có 17 tuyến xe buýt kết nối metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vừa chính thức lăn bánh. Trong 30 ngày đầu, hành khách sử dụng những tuyến buýt này sẽ được miễn phí vé, đồng bộ với metro số 1.
Phía CIENCO 4 không ký, Metro số 1 gặp khó

Về đích sau 12 năm

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP. HCM phê duyệt tháng 4/2007 với tổng mức đầu tư 17.387 tỷ đồng và được điều chỉnh tăng lên 47.325 tỷ đồng năm 2011, một phần do điều chỉnh kéo dài tuyến và cập nhật đơn giá xây dựng, giải phóng mặt bằng. Thời gian hoàn thành dự án vào năm 2018.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc về mặt bằng, thiết kế kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dự án chưa thể hoàn thành theo kế hoạch. Đến năm 2019, UBND TP. HCM tiếp tục có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 47.325 tỷ đồng xuống còn 43.757 tỷ đồng. Thời gian thực hiện, hoàn thành dự án phải gia hạn nhiều lần và “chốt” lại hoàn thành năm 2024.
TP.HCM muốn làm xong 355 km metro trong 10 năm
Cuối cùng, trong 2 ngày 18 - 19/12/2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng nhà thầu đã tổ chức ký kết chứng nhận bàn giao công trình có điều kiện (TOC) đối với 2 gói thầu CP1a và CP2. Trước đó, hai gói thầu CP1b và CP3 cũng đã được ký kết bàn giao. Như vậy, toàn bộ 4 gói thầu chính của dự án đã được bàn giao để phục vụ việc vận hành chính thức.
Thảo luận