Kinh tế Việt Nam xác lập kỷ lục mới

Kinh tế Việt Nam ghi nhận cột mốc mới, xuất nhập khẩu lập đỉnh lịch sử, Việt Nam xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Sputnik
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt hơn 783 tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới, tiến đến mốc lịch sử gần 800 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục chưa từng có

Hôm nay, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 với rất nhiều tin vui.
Bộ Công Thương ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục mới với con số ước tính 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2024, trong hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.
Trong đó, khu vực thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới (xuất khẩu ước đạt 197,4 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập nhẩu ước đạt 322,3 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 124,9 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023).
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%).
Ở Mỹ dự báo bất ngờ về xuất nhập khẩu gạo Việt Nam
Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%).
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,7 tỷ USD, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỷ USD, tăng 22%; hàng dệt may đạt 37 tỷ USD, tăng 11,2%; giày dép các loại đạt 22,9 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%; sắt thép đạt 9,3 tỷ USD, tăng 11,8%...
Việt Nam cũng đã khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông - châu Phí bằng việc ký kết Hiệp định FTA với UAE trong thời gian đàm phán kỷ lục (16 tháng).
Bộ Công Thương đánh giá các nhà xuất khẩu Việt Nam đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ước đạt 119,7 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng tới 23,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 11,3%).
Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3% (năm 2023 giảm 6,8%); xuất khẩu sang khu vực thị trường ASEAN tăng 13,6%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6% (năm 2023 giảm 3,4%); xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5% (năm 2023 giảm 3,7%).
Khai thônghiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này.
Năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (18,9%) cao hơn so với khu vực FDI (11,6%); đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,9% so với 26,9%).
Nêu kịch bản lý tưởng cho xuất nhập khẩu Việt Nam
Hoạt động nhập khẩu được đảm bảo với cơ cấu phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu tiếp tục chiếm tỷ trọng cao (gần 89%).
Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, cùng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới.
“Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2016) với mức thặng dư khá cao (ước đạt 23 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, - theo Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Thương hiệu quốc gia vượt mốc 500 tỷ USD

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng ghi nhận, năm 2024, ngành công thương đạt được nhiều đột phá như trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi và nhiều chính sách mới; tái khởi động các dự án điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng.
Bộ cũng chủ động quyết liệt tinh gọn bộ máy, đảm bảo an ninh năng lượng, chủ động các mặt hàng thiết yếu, kỳ tích Đường dây 500 kV mạch 3 với loạt kỷ lục và các dự án năng lượng trọng điểm ngành năng lượng.
Với các thành công đã đạt được, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
‘Ngọn gió đông’ và dự báo bất ngờ về kinh tế Việt Nam
Với việc Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025, Bộ Công Thương cũng phấn đấu mục tiêu xuất khẩu tăng 12% so với năm 2024.
Bộ sẽ theo dõi những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics; phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thảo luận