Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 5 năm có 264 người đứng đầu, cấp phó bị kỷ luật do để xảy ra tham nhũng, hơn 2 triệu người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, xác minh hơn 37.000 người, phát hiện 147 người vi phạm đến mức bị kỷ luật.
Đặc biệt, có 45 trường hợp đã nộp lại quà tặng cho đơn vị theo quy định với số tiền hơn 739 triệu đồng.
147 người bị kỷ luật về kê khai tài sản
Sáng nay 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trình bày báo cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho hay, qua 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại hơn 117.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.900 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Đáng chú ý, có 45 trường hợp đã nộp lại quà tặng cho đơn vị theo quy định với số tiền hơn 739 triệu đồng.
Công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 235.271 người.
“Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng tích cực thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập”, - báo cáo cho biết.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng tích cực thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trong 5 năm (giai đoạn 2020-2024), đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập; có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá. Các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Việc thu hồi đạt tỷ lệ cao. Các vụ án đưa ra xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội được dư luận và nhân dân đồng tình đánh giá cao.
Các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
Thanh tra Chính phủ cho biết, giai đoạn 2020-2024 có 264 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 73 người bị xử lý hình sự.
Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp
Năm 2024 toàn ngành đã triển khai 37.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 900 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Cùng với việc chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, qua công tác thanh tra đã kiến nghị xử lý về kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng nghìn m2 đất.
Các cơ quan điều tra trong Công an đã thụ lý điều tra 2.990 vụ án với hơn 7.500 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 553.000 tỷ đồng, hơn 245.000m2 đất.
Phó Tổng thanh tra Lê Tiến Đạt cũng cho biết, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng ngày càng được nâng cao.
Việc phòng chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng được tăng cường.
"Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng", - báo cáo của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Ngoài ra, hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn lớn.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về xử lý người có hành vi tham nhũng còn chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài, sức răn đe nên chưa thực sự phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tham nhũng.
Hành động mạnh mẽ
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tổng kết đánh giá, sau hơn 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
“Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”, - ông Đoàn Hồng Phong khẳng định.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng dẫn chứng một số vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Vạn Thịnh Phát, công ty AIC, Phúc Sơn, Thuận An…
Ông nói: “Qua các vụ án này thể hiện rõ quan điểm “quyết tâm chính trị rất cao, hành động mạnh mẽ, có tính đột phá và không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thanh tra nhìn nhận, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn có tồn tại, hạn chế.
Trong đó, cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian tới, ngành thanh tra cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng còn bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội. Việc này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chặt chẽ, không để sơ hở, thiếu sót, không để các đối tượng lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Khi chưa sửa được luật thì tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí lực lượng đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Cần tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, nhất là kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng lưu ý về việc tiếp tục phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc về công tác phòng, chống tham nhũng.