Lý do, các mặt hàng này bị phát hiện có nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
EU tăng kiểm tra nông sản Việt Nam
Bộ Công thương cho biết, Ủy ban châu Âu vừa qua đã ban hành Quy định 2024/3153 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các bên ngoài vào Liên minh châu Âu (EU) theo quy định 2019/1793.
Ủy ban châu Âu cũng đồng thời đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam.
Theo đó, EU sẽ nâng tần suất kiểm tra sầu riêng từ 10% lên 20% và vẫn áp dụng tại phụ lục I. Lý do, trong thời gian qua, tỉ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang EU vẫn còn cao.
Cụ thể, EU đã phát hiện nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép nhiều lần trên sầu riêng như hoạt chất Carbendazim có dư lượng 3,2-6,3mg/kg, trong khi EU quy định không quá 0,1mg/kg; Azoxystrobin dư lượng 1,6-3,2mg/kg (quy định 0,01mg/kg); Fipronil vượt ngưỡng 0,021-0,042mg/kg (quy định 0,005mg/kg).
Các hoạt chất Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid cũng vượt ngưỡng cho phép từ 0,026 - 0,542mg/kg, trong khi quy định không quá 0,01mg/kg.
Ngoài ra, EU cũng áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%; áp dụng tần suất kiểm tra 50% với đậu bắp và ớt. Ba sản phẩm này khi nhập khẩu vào EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Lý do, thời gian qua, số các lô hàng thanh long, ớt và nhất là đậu bắp xuất khẩu sang EU vẫn bị cảnh báo, vi phạm Quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL ) không giảm. Do đó, EU vẫn duy trì biện pháp tăng cường kiểm tra như lần thông báo trước. Quy định này có hiệu lực từ ngày 8/1/2025.
Khó khăn cho xuất khẩu
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, việc EU tăng hay giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi là hoạt động thường xuyên theo quy định.
Điều quan trọng là nông sản từ Việt Nam phải được chủ động quản lý giám sát chất lượng sản phẩm tuân thủ các quy định của thị trường. Vì theo quy định, cứ 6 tháng 1 lần, Nghị viện châu Âu sẽ họp và xem xét đánh giá tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của nước thứ ba nhập khẩu vào EU.
Nếu tiếp tục vi phạm, tùy theo mức độ, tùy theo mặt hàng có thể đối diện với nguy cơ bị nâng tần suất kiểm tra tại biên giới theo phụ lục I (tần suất kiểm tra 10% - 20% - 30% - 50%) hoặc chuyển sang phụ lục II (yêu cầu phải có giấy chứng nhận, kết quả phân tích dư lượng và chịu tần suất kiểm tra 5% - 10% - 20% - 30% - 50%) hoặc phụ lục IIa (đình chỉ nhập khẩu).
Chẳng hạn như mặt hàng sầu riêng, do vi phạm quy định, nên bị áp dụng tăng tần suất kiểm tra từ 10% lên 20% (theo phụ lục 1). Trong 6 tháng tới, nếu tiếp tục vi phạm, EU có thể nâng tần suất kiểm tra lên 30 hoặc 50%, thậm chí chuyển sang phụ lục II.
Ngược lại, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ nghiêm quy định của EU, không có vi phạm thì có thể được EU giảm tần suất kiểm tra hoặc dỡ bỏ các điều kiện kiểm soát.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, việc EU gia tăng tần suất kiểm tra sầu riêng, thanh long… sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng này của doanh nghiệp gặp khó khăn, vì thời gian thông quan kéo dài. Do đó, chất lượng hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, châu Âu là một trong những thị trường khó tính nhất trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của thị trường này.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% (khoảng 1,5 tỷ USD) so với năm 2023. Trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng đạt khoảng 3,2 tỷ USD, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.