Những con người mới – những cách tiếp cận mới
Năm 2024 sắp kết thúc và rõ ràng việc thay đổi lãnh đạo ở một số quốc gia sẽ mang lại những hệ quả sâu rộng đối với chính trị thế giới. Cụ thể, liên minh ba bên Washington-Tokyo-Seoul do Tổng thống Joe Biden thành lập có thể bị ảnh hưởng. Liên minh này được hình thành vào mùa thu năm 2023 tại cuộc gặp ở Camp David (Mỹ) giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Khi đó, lãnh đạo ba nước đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng, tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung nhằm đối phó với Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nga. Mùa thu năm nay, quyết định được đưa ra để thành lập một ban thư ký thường trực cho khối này.
Liên minh Washington-Tokyo-Seoul là sáng kiến của Joe Biden, người sẽ rời khỏi vị trí Tổng thống Mỹ trong tháng tới. Tổng thống mới Donald Trump, theo mọi dự đoán, sẽ không dành sức lực và nguồn lực tài chính để duy trì các liên minh nhỏ. Tối đa, ông có thể yêu cầu chính quyền Seoul và Tokyo tự chịu chi phí quốc phòng. Hiện tại, một số thành viên trong đội ngũ của Trump nói Nhật Bản nên chi 3% GDP của mình cho quốc phòng!
Thủ tướng mới của Nhật Bản, Shigeru Ishiba, có thể sẽ quyết định tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng không phải để làm hài lòng Tổng thống Mỹ. Shigeru Ishiba mơ ước biến đất nước mình thành một quốc gia "bình thường", tức là có quân đội chính thức, đầy đủ và mối quan hệ bình đẳng với Mỹ. Nếu hiện tại, như các tờ báo Nhật Bản đưa tin, ông đang cân nhắc việc xem xét lại hiệp ước về việc triển khai quân đội Mỹ trên các đảo Nhật Bản, thì khó có khả năng ông sẽ muốn duy trì một liên minh mà mọi quyết định đều do "Chú Sam" đưa ra.
Sự thay đổi tổng thống ở Hàn Quốc cũng không còn xa. Yoon Suk Yeol với nỗ lực đảo chính đã tự ký bản án tử chính trị cho mình. Nhiều khả năng, đại diện Đảng Dân chủ Tiến bộ, thế lực luôn ủng hộ cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, sẽ lên nắm quyền ở Seoul. Điều này có nghĩa chính quyền Hàn Quốc sẽ không còn cần thiết phải biến hai nước láng giềng này thành kẻ thù.
Trung Quốc có thể hưởng lợi
Trong tình hình mới, quan hệ giữa Bắc Kinh với Tokyo và Seoul có thể được định hình lại theo cách mới. Trong những năm dưới thời Joe Biden, quan hệ của tất cả các thành viên trong bộ ba này với Trung Quốc thực sự đi xuống. Nhưng lợi ích kinh tế đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với Trung Quốc, các nguồn lực và thị trường nội địa rộng lớn của họ. Bắc Kinh thực hiện một số bước nhằm hạn chế quan hệ với Tokyo và Seoul để trả đũa chính sách không thân thiện, vốn đượcđưa ra dưới áp lực từ Mỹ. Chẳng hạn, năm ngoái, Bắc Kinh áp đặt hạn chế đối với việc bán than chì cho Hàn Quốc, cũng như nhập khẩu cá và các sản phẩm hải sản khác từ Nhật Bản.
Hiện có tín hiệu cho thấy quan hệ Nhật - Trung có thể được cải thiện vào năm 2025. Tokyo hy vọng trong năm mới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ thăm Nhật Bản, sau đó là chuyến thăm của Shigeru Ishiba tới Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có thể tích cực thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do ký kết giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như cố gắng lôi kéo các nước láng giềng tham gia vào sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của mình.
Việc thay thế đối đầu chính trị bằng hợp tác kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người ở mỗi quốc gia trong số ba nước này và, nói chung, cho các dân tộc khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.