Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, không để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ làm ảnh hưởng, gián đoạn, chậm tiến độ soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết.
Sắp triệu tập họp bất thường
Trình bày tham luận tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2.2025.
“Quốc hội sẽ tiến hành kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2.2025 để xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cổng TTĐT Quốc hội cũng cho biết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1326/NQ-UBTVQH15 về chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025.
Trong đó nêu rõ việc phối hợp giữa các cơ quan nhằm chuẩn bị, tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9 trong tháng 2/2025 và trong trường hợp cần thiết để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; triệu tập và chủ trì các kỳ họp theo quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 trong tháng 2/2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết khác theo yêu cầu thực tiễn.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ, chính sách theo đề nghị của cấp có thẩm quyền”, văn bản nêu rõ.
Nhanh chóng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 11 luật và 2 nghị quyết; cho ý kiến 15 dự án luật để trình thông qua tại Kỳ họp thứ Mười.
Năm 2025 cũng là năm triển khai tổng kết thực hiện Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khóa XV và xây dựng Định hướng Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XVI…
Trước mắt, để bảo đảm tiến độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 2/2025, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy và các luật chuyên ngành có quy định liên quan đến tên, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan sẽ thay đổi sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, có phương án cụ thể kiến nghị sửa đổi các luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết quy định nguyên tắc xử lý.
“Các nội dung trên cần gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 10/1/2025 để xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình. Trường hợp cần thiết, để bảo đảm yêu cầu tiến độ thì có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung của các dự án đồng thời với việc quyết định bổ sung vào chương trình”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.
Ông đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án xử lý các vấn đề có liên quan, bảo đảm đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết khác có liên quan.
Liên quan đến10 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.
Tập trung làm rõ các nội dung còn có ý kiến khác nhau để thống nhất phương án xử lý; kịp thời báo cáo Chính phủ có ý kiến bằng văn bản về dự thảo luật theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lưu ý điều khoản về hiệu lực thi hành, quy định chuyển tiếp, bảo đảm tính khả thi, tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đối với 15 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và các dự án đang được nghiên cứu, tiếp tục đề nghị bổ sung vào chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, các cơ quan được giao trình dự án chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ.
Không để gián đoạn công việc
Nhắc lạiyêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với các Bộ, cơ quan chủ trì dự án và trong suốt quá trình soạn thảo, trình thông qua, ông Hoàng Thanh Tùng lưu ý không để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ làm ảnh hưởng, gián đoạn, chậm tiến độ soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết.
Đối với việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh Chương trình năm 2025, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bối cảnh của năm chuyển giao nhiệm kỳ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cơ quan quan tâm sớm đề xuất dự án, lập dự kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3/2025.
Ưu tiên đưa vào Chương trình những dự án để kịp thời thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mới đây nhất là Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Các cơ quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo các Kế hoạch số 81 và số 734 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình các dự án phục vụ ổn định tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hoàn thiện cơ chế hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị, đối với các Bộ, cơ quan của Chính phủ dự kiến sẽ sắp xếp, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ thì cần xác định rõ trách nhiệm chuyển giao, kế thừa nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
“Tránh tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành luật, nghị quyết, dẫn đến khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý.