Nhiều ý kiến lưu ý, chủ trương kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba có thể đúng ở giai đoạn trước, còn hiện nay tỷ suất sinh của Việt Nam xuống thấp thì cần thay đổi quan điểm này.
Mức sinh thấp nhất lịch sử, ở Việt Nam đề nghị không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3
Việt Nam đang đặc biệt lưu ý đến xu hướng già hoá dân số và tỷ suất sinh giảm rõ rệt cũng như nguy cơ tiêu cực của một xã hội “chưa kịp giàu đã già” do tâm lý “ngại sinh lười đẻ” ngày càng phổ biến.
Mới đây, Cục Dân số (Bộ Y tế) đưa ra đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho các cặp vợ chồng.
Đồng thời, Bộ Y tế đang soạn thảo văn bản trình cấp thẩm quyền sửa đổi theo hướng bỏ một số quy định liên quan kỷ luật công chức, đảng viên sinh con thứ 3, trước xu hướng mức sinh giảm nhanh, thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Về vấn đề này, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024, ngày 27-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Tuy nhiên, trong 3 năm liên tiếp, mức sinh toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế và thấp nhất trong lịch sử.
Việt Nam đang có tốc độ giảm sinh nhanh chóng. Năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Mất cân bằng giới tính khi sinh dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (ước tính năm 2024 là 112 bé trai/100 bé gái).
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), bổ sung thêm, trong hai thập kỷ qua, tại Việt Nam mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ.
Phụ nữ ở thành thị sinh con muộn và ít hơn ở nông thôn. Dự báo tỷ lệ tăng dân số toàn quốc sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái "dừng" ở giai đoạn 2064-2069.
Tuổi kết hôn lần đầu đã muộn hơn, tăng 1,1 tuổi từ 24,1 tuổi năm 1999 lên 25,2 tuổi năm 2019. Sau 4 năm, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng thêm 2 tuổi, từ 25,2 tuổi lên 27,2 tuổi.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã đưa giải pháp tại Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.
Đồng thời, có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân sinh đủ 2 con.
Bộ Y tế cũng đang rà soát các chính sách dân số và quy định xử phạt hành chính, đồng thời xây dựng báo cáo về xu hướng mức sinh tại Việt Nam, đưa ra các chính sách mới trong dự thảo luật Dân số.
Những đề xuất này bao gồm chính sách khen thưởng và khuyến khích sinh con, trong bối cảnh mức sinh giảm liên tục trong các năm gần đây.
Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng nhấn mạnh, để nâng mức sinh, các nhóm chính sách cơ bản được xây dựng trong dự thảo luật Dân số bao gồm: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe dân số; và lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, với chính sách duy trì mức sinh thay thế, dự thảo đề xuất các biện pháp linh hoạt để có thể bù trừ mức sinh giữa khu vực có mức sinh thấp và khu vực có mức sinh cao, bao gồm: quy định quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân.
Quy định kỷ luật người sinh con thứ ba đã không còn phù hợp
Về đề xuất bỏ quy định kỷ luật người sinh con thứ ba với một số trường hợp là công chức, đảng viên, lãnh đạo Cục Dân số lưu ý, lâu nay quy định này không áp dụng với người dân.
Ông Lê Thanh Dũng bày tỏ, quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con đã áp dụng trong nhiều năm nay và mỗi giai đoạn lại có một chính sách khác nhau, trong đó có việc xử phạt do vi phạm các quy định về chính sách dân số như sinh con thứ 3.
“Đến thời điểm này, việc xử phạt đối với những đối tượng sinh con thứ 3 không còn phù hợp”, ông chỉ rõ thực tế Việt Nam đối mặt với xu thế mức sinh giảm, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng sẽ trở thành một vấn đề quan trọng nếu không có giải pháp can thiệp sớm.
Do đó, việc nới lỏng quy định sinh 1-2 con là cần thiết. Hiện Cục Dân số đang xin ý kiến góp ý các chuyên gia, nhà nghiên cứu để có báo cáo với Bộ Y tế, sau đó báo cáo Chính phủ các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cặp vợ chồng - những đối tượng có mong muốn sinh con để đảm bảo chất lượng dân số, giống nòi tốt nhất.
Lãnh đạo Cục Dân số phân tích, thực tế hiện nay, nhiều người có mong muốn và điều kiện để sinh con thứ 3, nhất là cán bộ công chức. Tuy nhiên, khi sinh con thứ 3 thì họ gặp phải những chế tài xử phạt, nhất là đối với đảng viên, mà những chế tài này đều đã được xây dựng từ rất nhiều năm trước.
“Vì vậy, với xu thế giảm sinh hiện nay ở nước ta và nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, chúng ta phải thay đổi quy định này”, ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.
Được biết, với quy định kỷ luật công chức, đảng viên sinh con thứ ba, Bộ Y tế đang xây dựng văn bản, trình cấp thẩm quyền sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số 2008 và văn bản khác liên quan, theo hướng không kỷ luật công chức, đảng viên sinh con thứ 3.
Các nội dung đề xuất này được đưa ra sau khi tiếp nhận các ý kiến chuyên gia và các bộ, ngành liên quan về công tác dân số trong tình hình mới, trước thực tế mức tăng dân số giảm; xu hướng giảm sinh nhanh tại Việt Nam trong các năm gần đây.
Lo lắng
Nguyên bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhiều lần bày tỏ lo lắng về tốc độ già hoá dân số và mức sinh giảm ở Việt Nam.
Bản thân từng nhiều lần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba, để phù hợp với tình hình mới, ông Nguyễn Thiện Nhân lý giải, thực tế hiện nay tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, cấp có thẩm quyền cần sớm sửa quy định, để tháo gỡ rào cản, xóa bỏ tâm lý cho cán bộ, đảng viên không dám sinh con thứ ba.
“Bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba để kịp thời truyền thông đến người dân về chính sách dân số trong tình hình mới”, chuyên gia lưu ý.
Đồng tình với đề xuất bỏ kỷ luật người sinh con thứ ba, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, Ủy viên Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong khi Việt Nam đang nỗ lực nâng cao tỷ suất sinh, nhưng cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba vẫn bị kỷ luật.
“Chủ trương kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba có thể đúng ở giai đoạn trước, còn hiện nay tỷ suất sinh của Việt Nam xuống thấp thì cần thay đổi quan điểm về sinh con”, bà Lan nói.