Viettel lập kỷ lục

Cả doanh thu và lợi nhuận của Viettel đều tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2024. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội lập kỷ lục với lợi nhuận trước thuế lên tới 51.000 tỷ đồng.
Sputnik
Đáng chú ý, không chỉ kinh doanh trong nước đạt thành tích nổi bật mà hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của Viettel cũng rất xuất sắc. Năm 2024 cũng là năm thứ 8 liên tiếp, kinh doanh nước ngoài của Viettel tăng trưởng 2 chữ số.

Kỷ lục lợi nhuận trước thuế 51.000 tỷ đồng của Viettel

Tại Hội nghị Quân chính năm 2024 và lễ ra quân sản xuất kinh doanh năm 2025, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố doanh thu hợp nhất đạt 190.000 tỷ đồng năm vừa qua 2024, tăng hơn 10% so với năm 2023 và vượt kế hoạch 3%.
Lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục 51.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), tăng hơn 11% và vượt kế hoạch 11%. Tập đoàn nộp ngân sách 42.600 tỷ đồng, tăng 17%. Thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên trong toàn tập đoàn tăng 6%.
Theo Viettel, động lực tăng trưởng của tập đoàn đến từ việc duy trì tăng trưởng viễn thông trong nước, phát triển kinh doanh quốc tế, nghiên cứu, sản xuất thành công và thương mại hoá các sản phẩm công nghệ cao, phát triển lĩnh vực logistics, an ninh mạng, AI và công nghệ số,...
Năm 2024, với việc đưa vào khai thác Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, Viettel đang vận hành 14 trung tâm dữ liệu với 230.000 máy chủ, 81.000m2 mặt sàn, 11.500 rack, 87MW điện, dẫn đầu thị trường về lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây.
Mạng 5G của Viettel đến nay đã được triển khai phủ sóng tại 95% thủ phủ các tỉnh, thành phố. Trong năm 2025, Viettel dự kiến sẽ phát triển thêm 12.000 trạm phát sóng 5G.
Viettel khai trương công viên logistics gần 3.300 tỉ đồng
Viettel cũng đã đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển ADC kết nối Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Đến nay, tập đoàn đang có trong tay 5 tuyến cáp quang biển với tổng chiều dài 360.000 km. Chưa hết, Viettel còn có kế hoạch đầu tư thêm tuyến cáp quang biển Việt Nam - Singapore.
Vừa qua, Viettel đã khai trương công viên logistics đầu tiên của Việt Nam tại Lạng Sơn. Trong thời gian sắp tới, tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, nhằm phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm.
Tập đoàn giữ vai trò chủ lực phát triển hạ tầng logistics quốc gia, ứng dụng công nghệ để tự động hóa và tối ưu nhiều giai đoạn và xúc tiến đầu tư logistics tại các thị trường Myanmar, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan.
Ở lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Viettel đã thử nghiệm và nghiệm thu thành công nhiều vũ khí chiến lược. Hiện tập đoàn đã sẵn sàng sản xuất và đưa vào trang bị diện rộng các thiết bị vũ khí này cho Bộ Quốc phòng.

Kinh doanh nước ngoài tăng hơn 17%

Năm 2024, Viettel đã ký kết các hợp đồng xuất khẩu radar và các hệ thống mô phỏng huấn luyện với Malaysia, Philippines. Sắp tới, thiết bị 5G của Viettel sẽ được xuất khẩu đến Ấn Độ và 9 nước Trung Đông.
Hiện Viettel đã và đang mở rộng kinh doanh nhiều dịch vụ khác tại thị trường nước ngoài. Trong đó, có thể kể đến dịch vụ ví điện tử với gần 33 triệu thuê bao; dịch vụ chuyển phát tại Lào, Campuchia, Myanmar; dịch vụ an ninh mạng tại 11 quốc gia.
Viettel đưa Việt Nam vào top 5 nước đầu tiên sản xuất thiết bị 5G trên thế giới
Đáng chú ý, đây là năm thứ 8 liên tiếp, kinh doanh nước ngoài của Viettel tăng trưởng 2 chữ số. Dù phải đối mặt với bất ổn chính trị, lạm phát cao, biến động tỷ giá… doanh thu dịch vụ từ các thị trường quốc tế của Viettel vẫn tăng 17,3% trong năm 2024, đóng góp 80% vào mức tăng trưởng chung của toàn tập đoàn và cao hơn 7 lần mức trung bình trên thế giới.
Dòng tiền chuyển về nước đạt 467 triệu USD, vượt kế hoạch năm. Hiện Viettel đã hoàn vốn tại 5 thị trường nước ngoài. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư của Viettel đạt 85%, sớm hơn lộ trình đã đề ra.
Thảo luận