Đối với cải cách về thể chế, điều mà Việt Nam đang rất nỗ lực, quyết tâm làm, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam có thể phải có sự chọn lọc hơn trong cách can thiệp vào nền kinh tế.
Việt Nam tạo bất ngờ lớn với mức tăng cao nhất khu vực Đông Á
Trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và IMF cho rằng, tăng trưởng GDP thế giới chỉ đạt khoảng trên dưới hơn 3% thì với tốc độ tăng GDP năm 2024 đạt 7,09%, nâng quy mô GDP nền kinh tế lên mức 11.512 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 476 tỷ USD của Việt Nam gây bất ngờ lớn.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất ở Đông Á. Đây cũng là ý kiến được ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ với báo chí những ngày đầu năm 2025.
Như Sputnik cũng đã đề cập, hôm nay, Tổng cục Thống kê họp báo cho biết, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09% trong năm 2024, vượt xa các dự báo và trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực.
Nền kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn ghi nhận sự cải thiện đáng kể về thu nhập bình quân đầu người. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.
“Dù phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị quốc tế và các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và thiên tai, song Việt Nam đã thể hiện được khả năng phục hồi ấn tượng”, vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận định.
Năm 2024, kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì được quỹ đạo phát triển dài hạn, mà còn đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Á.
Đà tăng trưởng tích cực này có thể tiếp tục trong năm 2025. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 6,5% năm 2025, đưa Việt Nam một lần nữa trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và toàn cầu.
Trước đó, báo Pháp luật TPHCM dẫn ý kiến của TS. Andrea Coppola cho biết, năm 2024 dù phải đối mặt với những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị quốc tế và chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và thiên tai, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng hết sức tích cực nhờ có sự gia tăng nhu cầu từ các đối tác xuất khẩu lớn như EU hay Hoa Kỳ, dẫn đến sự phục hồi xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, cùng với sự phục hồi dần dần của tiêu dùng trong nước.
“Bất chấp những yếu tố nghịch cảnh trên, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố vững vàng. Xu thế tăng trưởng kinh tế dài hạn vẫn rất sáng sủa”, ông nói.
Chuyên gia của WB cũng tin tưởng:
“Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2025 với dự báo tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%, thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như ở cấp độ toàn cầu”, ông nói.
Trong đó, thương mại sẽ tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu có thể không ấn tượng như năm 2024 do có thể xuất hiện sự suy giảm nhu cầu từ phía Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai động lực lớn của nền kinh tế toàn cầu.
Về nhận định kinh tế Việt Nam còn tăng trưởng phụ thuộc vào thương mại, chuyên gia của WB cho rằng, sự phát triển của thương mại đem đến các cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức cho đất nước, cần được theo dõi kỹ càng.
Thứ nhất, tự động hóa ngày càng tăng có thể tác động đến việc làm và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là đối với các quốc gia dựa vào mô hình xuất khẩu dựa trên chi phí lao động thấp và xuất khẩu thâm dụng lao động như Việt Nam.
Thứ hai, biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi phải đẩy mạnh các nỗ lực để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của Việt Nam trước thiên tai và để giảm phát thải khí carbon trong sản xuất của Việt Nam, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu trong bối cảnh người tiêu dùng và nhà đầu tư quốc tế ngày càng chú ý đến các sản phẩm xanh và cơ hội đầu tư xanh.
Thứ ba, nhu cầu toàn cầu đang dần chuyển dịch sang châu Á. Mặc dù có xu hướng tiết kiệm tương đối cao, song chi tiêu của người tiêu dùng ở Đông Á vẫn đang tăng nhanh, trong khi ở Mỹ và châu Âu lại đang giảm.
“Nhu cầu ngày càng tăng từ các nước châu Á là một cơ hội quan trọng mà Việt Nam cần phải nắm bắt”, chuyên gia lưu ý.
Về 3 rủi ro tiềm ẩn, TS. Coppola cho hay, bất ổn lớn đến từ việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chững lại, trong đó nổi bật nhất phải kể đến nhóm các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc.
Nếu chất lượng tài sản ngành ngân hàng xấu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể sẽ hạn chế, kết quả tăng trưởng đầu tư sẽ chịu tác động.
Việt Nam sẽ vẫn dễ chịu tổn thương từ những thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu.
Nếu những rủi ro trên trở thành hiện thực, trong khi dư địa hỗ trợ của chính sách tiền tệ không còn nhiều bởi xét đến việc đồng USD tăng giá trên quy mô toàn cầu, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công sẽ có thể hỗ trợ cho tổng cầu nói chung.
Để giảm thiểu rủi ro và những yếu tố dễ tổn thương trong lĩnh vực tài chính, giới chức có thể khuyến khích các ngân hàng tăng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), đồng thời củng cố cho khung chính sách giúp tăng cường giám sát và can thiệp sớm.
Sẽ cần đến những cải tổ về mặt cấu trúc trong một số lĩnh vực, trong đó bao gồm đào tạo và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để gia tăng năng suất và tính cạnh tranh cho kinh tế nội địa, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp để giúp Việt Nam xuất khẩu các loại hàng hóa giá trị gia tăng cao hơn.
Việt Nam có thể phải có sự chọn lọc hơn trong cách can thiệp vào nền kinh tế
Bình luận về nỗ lực cải cách thể chế tại Việt Nam, TS. Andrea Coppola cho rằng, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc cải thiện thể chế trong nhiều năm, nhưng cần có thêm cải cách để tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước và đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2045.
“Để nâng cao năng lực của Nhà nước một cách hiệu quả hơn, Việt Nam có thể phải có sự chọn lọc hơn trong cách can thiệp vào nền kinh tế”, báo Đầu tư dẫn lời ông Coppola nói.
Đánh giá việc yêu cầu từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” phải là một sự đổi mới thiết yếu, chuyên gia WB cho rằng, chuyển từ tư duy cấm đoán sang tư duy tạo điều kiện sẽ giúp giảm số lượng quy định không cần thiết và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Một tư duy quản lý linh hoạt thúc đẩy sự phát triển sẽ truyền cảm hứng cho các cơ quan và công chức tích cực theo đuổi các giải pháp mới.
Hơn nữa, cách tiếp cận có chọn lọc hơn sẽ có nghĩa là làm ít việc hơn và quy mô của bộ máy nhà nước có thể thu hẹp. Điều này cũng có thể giúp tiết kiệm nguồn lực và cho phép tiền lương trong khu vực công bắt kịp với khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng, công chức và viên chức được trả lương xứng đáng để thu hút và giữ chân nhân tài.
Ông Coppola nhấn mạnh, dù việc tổ chức lại Chính phủ một cách thường xuyên có thể phản tác dụng, nhưng việc điều chỉnh định kỳ để giải quyết các nhu cầu mới nổi và khắc phục các điểm kém hiệu quả, như chức năng trùng lặp và các ưu đãi không phù hợp, là rất quan trọng.
“Tôi cho rằng, nỗ lực hiện tại của Chính phủ để thực hiện việc điều chỉnh như vậy là một bước tiến tích cực”, ông đánh giá.
Ngoài ra, nhiều điểm yếu về quản lý đầu tư công đã được giải quyết thông qua việc sửa đổi Luật Đầu tư công.
Đại diện WB cho rằng, trong tương lai, vẫn còn chỗ để cải thiện quy trình lập ngân sách và hệ thống luật phức tạp về quản lý đầu tư công.