"Vào ngày 14-15 tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin sẽ có chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hà Nội)", - cơ quan báo chí Chính phủ Nga đưa tin.
Trong chuyến thăm của ông Mishustin tới Việt Nam sẽ đặc biệt chú trọng xem xét việc thực hiện các thỏa thuận sau chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2024.
Theo thông tin của Văn phòng Chính phủ Nga, trong chuyến thăm “sẽ có các cuộc gặp gỡ, hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Theo cơ quan báo chí Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo chính phủ hai nước tại cuộc gặp sẽ xem xét các tình hình thực tại về quan hệ hợp tác Nga - Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân văn, đồng thời đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các dự án chung về năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Theo cơ quan này, sau các cuộc hội đàm liên chính phủ hai bên dự kiến ký kết một số văn kiện chung.
Chính phủ Nga ghi nhận sự phát triển tiến bộ trong hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước. Như Văn phòng Chính phủ điểm lại, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 8,3% vào năm 2023 và tăng 23,7% trong chín tháng đầu năm 2024. Được biết kết quả này đạt được một phần là nhờ tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do giữa các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam có hiệu lực từ năm 2016. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên EAEU ký kết thỏa thuận như vậy.
"Tổ hợp nhiên liệu và năng lượng là lĩnh vực hợp tác chiến lược quan trọng giữa hai nước. Đơn vị chủ chốt của tổ hợp này là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Trong thời gian khai thác các mỏ đã phát hiện (từ năm 1986), tổng cộng liên doanh đã khai thác khoảng 243 triệu tấn dầu", - văn phòng lưu ý.
Kể từ năm 2008, hoạt động khai thác dầu khí được thực hiện tại Khu tự trị Nenets của Nga do Liên doanh RusVietpetro LLC được thành lập bởi các đối tác tham gia đảm nhiệm; khối lượng sản xuất tổng cộng đến nay là khoảng 33 triệu tấn dầu, Văn phòng Chính phủ Nga cho biết. Tập đoàn Gazprom của Nga cũng hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam. Về hợp tác công nghiệp, thiết bị ô tô của Nga tiếp tục được sản xuất tại một nhà máy liên doanh lắp ráp ô tô với sự tham gia của Tập đoàn GAZ tại Đà Nẵng. Một số sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang các nước láng giềng, văn phòng cho biết.
Tài liệu cũng ghi nhận sự gia tăng về số lượng các khu vực của Nga có quan hệ hợp tác với các tỉnh thành Việt Nam. Năm ngoái Việt Nam đã đón tiếp các đoàn đại biểu từ St. Petersburg và Moskva sang thăm, đây là những đối tác tích cực nhất trong hợp tác với Việt Nam, từ các tỉnh Ulyanovsk và Yaroslavl, cũng như từ Yakutia. Chính phủ cũng đặc biệt ghi nhận kinh nghiệm hợp tác sâu rộng giữa hai nước về giáo dục. Hàng năm các trường đại học của Nga, bao gồm cả những trường thuộc tốp đầu, tài trợ 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam bằng ngân sách liên bang. Cả hai bên đều coi trọng hợp tác trong lĩnh vực nhân văn, lượng khách du lịch đến Việt Nam, vốn là một trong những điểm nghỉ dưỡng phổ biến nhất của người Nga trước đại dịch, cũng đang gia tăng.
"Việc Aeroflot nối lại các chuyến bay thẳng từ Moskva đến Thành phố Hồ Chí Minh và IrAvia từ Irkutsk đến Hà Nội, Phú Quốc và Nha Trang đã góp phần tăng dần lượng khách du lịch đến Việt Nam. Năm 2023 đã có 125 nghìn người Nga đến thăm Việt Nam, còn trong 10 tháng đầu năm 2024, số lượng này tăng lên 177 nghìn người", - Văn phòng Chính phủ lưu ý.