Việt Nam quyết trở thành trung tâm bán dẫn của thế giới

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu, kết hợp giữa tự cường và FDI giai đoạn 2030-2040.
Sputnik
Trong giai đoạn 2040-2050, Việt Nam hướng đến việc trở thành quốc gia thuộc top đầu thế giới về bán dẫn, điện tử; làm chủ R&D trong ngành bán dẫn, điện tử.

Xây dựng hệ sinh thái bán dẫn

Tạp chí Doanh nhân Việt Nam dẫn số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam năm qua 2024 đạt hơn 38,23 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng gần 9,4% so với cùng kỳ. Dẫn đầu trong số đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, với tổng vốn đầu tư đạt trên 25,58 tỷ USD, chiếm gần 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong lĩnh vực bán dẫn, hiện nay Việt Nam đang có tất cả 174 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Bộ đánh giá, Việt Nam đã bước đầu xây dựng được hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn với đầy đủ các công đoạn trong chuỗi giá trị. Trong đó, 2 lĩnh vực chính là thiết kế chip bán dẫn và đóng gói, lắp ráp, kiểm thử chip bán dẫn thuê ngoài (OSAT).
Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho sinh viên học ngành bán dẫn
Công đoạn thiết kế có khoảng 40 doanh nghiệp, chủ yếu đến từ các nước Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc như Qorvo, Renesas, Microchip NVIDIA, Synopsys, Marvell,...
Công đoạn lắp ráp, kiểm thử, đóng gói bán dẫn thu hút một số tập đoàn hàng đầu thế giới với các dự án đầu tư lớn, như Intel (4,1 tỷ USD), Amkor (1,6 tỷ USD), Hana Micron (673 triệu USD), Hayward Quatz Technology (110 triệu USD).

Nhà nước hỗ trợ hết mình

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các số liệu nói trên là minh chứng cụ thể cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Cơ quan quả lý đã rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật với mục tiêu tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, vi mạch và phát triển vi mạch được xếp vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên khuyến khích phát triển. Luật Thủ đô, các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP.HCM, TP. Đà Nẵng đã đưa các dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vi mạch điện tử tích hợp, chip,... vào lĩnh vực ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Đáng chú ý, ngày 11/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và nhất trí biểu quyết thông qua nội dung dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư theo đề nghị của Chính phủ.
Cụ thể, Quỹ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Ngôi sao mới nổi ngành bán dẫn – Việt Nam không thể mãi là nước gia công
Các dự án thuộc đối tượng trên sẽ được hưởng hỗ trợ nếu đáp ứng các tiêu chí và điều kiện theo quy định tại Nghị định (có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm).
Riêng với doanh nghiệp có dự án trong ngành công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo thì quy mô vốn đầu tư tối thiểu chỉ là 6.000 tỷ đồng hoặc doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm. Lý do, đây là lĩnh vực đang cạnh tranh thu hút đầu tư quyết liệt giữa các quốc gia, là lĩnh vực tập trung thu hút đầu tư của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo sẽ được hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu nếu đáp ứng các tiêu chí và điều kiện theo quy định tại dự thảo và có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.
“Mức hỗ trợ đầu tư ban đầu được hỗ trợ tối đa 50% và đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Nghị định", - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Những giải pháp mang tính quyết định

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước châu Á để đặt trụ sở, nhà máy.
Đến nay, số liệu thống kê cho thấy có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã đi vào hoạt động tại Việt Nam, như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent…
Trong bối cảnh đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Về định hướng, Thủ tướng đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó đặt ra mục tiêu giai đoạn 2030-2040, Việt Nam trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu, kết hợp giữa tự cường và FDI. Sang giai đoạn 2040-2050, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm đi đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ R&D trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức triển lãm bán dẫn mô hình quốc tế
Cơ chế, chính sách hỗ trợ, các dự án đầu tư trong ngành bán dẫn được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 29/2021 về ưu đãi đầu tư đặc biệt với mức ưu đãi cao nhất như sau: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong 37 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 6 năm, giảm 50% trong 13 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 22 năm và giảm 75% cho thời gian còn lại.
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã chính thức ban hành Nghị đ̣ịnh 182 quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) trong 2 lĩnh vực này sẽ được hỗ trợ đến 50% chi phí đầu tư ban đầu.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, nhằm đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên trong ngành bán dẫn.
Trong đó, có ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế; 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử; 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư, Việt Nam đã đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII; chuẩn bị các quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tếl hoàn thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước) để kết nối các hệ sinh thái ngành và giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Nhà máy bán dẫn 1,6 tỷ USD lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động
Các dự án ngành công nghiệp bán dẫn khi đầu tư vào Việt Nam sẽ có Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các thủ tục để triển khai nhanh chóng, thuận tiện.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn như Cadence, Siemens, Intel, Coherent, Đại học Bang Arizona (Mỹ), Đại học Dương Minh Giao Thông (Đài Loan, Trung Quốc) để hợp tác thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.
Đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn quốc tế và trong nước để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…để đặt các văn phòng đại diện, trung tâm nghiên cứu phát triển tại NIC.
"Việt Nam đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn như nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; sự đầu tư và nâng cấp mạnh về cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; và quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ", - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thảo luận