Theo kế hoạch, nhà máy Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Trong khi đó, nhà máy Ninh Thuận 2 sẽ đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 4/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu EVN và PVN khẩn trương đàm phán với các đối tác nước ngoài ngay trong tháng 2, đồng thời chuẩn bị phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Các tập đoàn này có trách nhiệm xác định quy mô, công suất, tổng mức đầu tư của từng nhà máy, sau đó trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến cần khoảng 2.400 nhân lực. Thủ tướng yêu cầu các bên rà soát, tập hợp những chuyên gia đã được đào tạo trong lĩnh vực điện hạt nhân, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo bổ sung, thu hút nhân lực, đặc biệt là những vị trí chủ chốt như tổng chỉ huy dự án.
Trong quá trình triển khai, việc lựa chọn nhà thầu và chủ đầu tư phải bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tham nhũng hay tiêu cực. Các thủ tục bố trí vốn cho dự án phải được thực hiện trước ngày 15/2. Tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ cấp đủ ngân sách để hoàn thành việc di dời và ổn định nơi ở cho người dân vùng dự án trong năm nay, với mục tiêu “nơi ở mới tốt hơn nơi cũ”. Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận được yêu cầu sớm kêu gọi hợp tác công - tư, thu hút đầu tư để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn.
Hành lang pháp lý cho việc triển khai điện hạt nhân đã cơ bản hoàn thiện, với Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024. Các quy định liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn hạt nhân và bảo vệ môi trường cũng đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện dự án.
Bộ Công Thương được giao hoàn thiện dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII liên quan đến điện hạt nhân trước ngày 28/2. Quy hoạch phải được xây dựng dựa trên tổng thể lợi ích quốc gia, bảo đảm cân đối giữa các địa phương, vùng miền và ưu tiên các công trình năng lượng trọng điểm tại những khu vực khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ thẩm định nhanh nhất các thủ tục, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán phương án đào tạo nhân lực, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định các tác động môi trường liên quan đến dự án.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 85.000 MW, dự kiến tăng lên 150.000 MW vào năm 2030 và đạt 400.000 - 500.000 MW vào năm 2050. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay và hai chữ số trong các năm tiếp theo, nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ tăng khoảng 12-14% mỗi năm. Phát triển điện hạt nhân là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh rằng xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một nhiệm vụ trọng đại của quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo được yêu cầu xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, với mốc thời gian cụ thể để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án. "Vướng đâu gỡ đó, xác định rõ ai giải quyết, bao giờ hoàn thành, kết quả là gì, tránh tình trạng trả lời lòng vòng", Thủ tướng nhấn mạnh.