"Chúng ta chỉ có thể hy vọng các đối tác trong khu vực sẽ nhận ra rằng Nga có đủ ý chí và nguồn lực để giấc mơ của các chiến lược gia NATO muốn biến Biển Baltic thành "hồ nước nội bộ" của liên minh không trở thành hiện thực, và những nỗ lực đi theo con đường này sẽ ẩn chứa những hậu quả khôn lường", - Đại sứ cho biết khi bình luận về nhiệm vụ tuần tra Biển Baltic mới được NATO triển khai gần đây.
Các nước thành viên NATO trong khu vực Baltic cho biết vào ngày 14 tháng 1 rằng liên minh đang triển khai sứ mệnh mang tên "Baltic Sentry" (Lính gác Baltic) để tuần tra Biển Baltic và bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước trong bối cảnh mộ số tuyến cáp quang gần đây bị hư hại. NATO không nêu rõ có bao nhiêu tàu thuyền và máy bay sẽ được triển khai, nhưng Bộ Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh (SHAPE) tại Mons cho biết sứ mệnh này có tính chất không giới hạn.
Sự cố hư hỏng cáp ở Biển Baltic xảy ra vào tháng 11 và tháng 12 năm 2024. Vào tháng 11, tuyến cáp viễn thông C-Lion1 giữa Phần Lan và Đức cũng như tuyến cáp thông tin giữa Thụy Điển và Litva đã bị đứt. Vào thời điểm đó chính quyền nghi ngờ tàu chở hàng khô Yi Peng 3 của Trung Quốc gây ra việc này. Vào tháng 12, cáp điện EstLink 2 nối Phần Lan và Estonia bị hư hại, cùng với bốn đường cáp thông tin liên lạc khác kết nối Phần Lan với Estonia và Đức. Các quan chức thực thi pháp luật nghi ngờ tàu chở dầu Eagle S mang cờ Quần đảo Cook đã làm hỏng cáp ở Vịnh Phần Lan bằng mỏ neo, trong khi các quan chức hải quan Phần Lan tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng tàu Eagle S bị cáo buộc có liên quan đến việc vận chuyển tài nguyên năng lượng của Nga.
Trợ lý Tổng thống Nga, ông Nikolai Patrushev, người phụ trách chính sách hàng hải quốc gia, cho biết phương Tây đang sử dụng Thụy Điển và Phần Lan để tước quyền tiếp cận Biển Baltic của Nga, biến nơi này thành "biển nội bộ" của NATO. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Biển Baltic sẽ không bao giờ có thể trở thành "vùng nước nội bộ" của NATO.