Có thể nhận thấy, nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn đặc biệt là thế đối đầu Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến Việt Nam, đặc biệt, đặt trong bối cảnh Mỹ bị thâm hụt thương mại rất lớn với Hà Nội.
Việt Nam đứng giữa ngã ba đường
Tại cuộc họp chính phủ thường kỳ gần đây, như Sputnik đã đề cập, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lên tiếng lưu ý về những biến động phức tạp của kinh tế chính trị thế giới, các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp tới Việt Nam, nhất là xuất khẩu, sản xuất kinh doanh.
Ông yêu cầu các thành viên Chính phủ dự báo, phân tích sát những vấn đề mới như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới thời gian tới bởi việc này xảy ra sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó, đề xuất giải pháp, kịch bản ứng phó để không để lỡ thời cơ và giữ đà phát triển của đất nước.
Có ý kiến cho rằng, hiện Việt Nam đang ở “ngã ba đường” trước thực tế kinh tế đầy biến động từ quốc tế với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là nguy cơ tái bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay.
Tại Việt Nam, báo Lao động dẫn ý kiến của TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) chia sẻ quan điểm rằng, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị trước những kịch bản kinh tế thế giới có thể xảy ra.
Về mặt ngoại giao, Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng hình ảnh là quốc gia thân thiện, cởi mở và là đối tác tin cậy trên trường quốc tế, cam kết tích cực tham gia các thể chế và thỏa thuận đa phương toàn cầu.
Việt Nam cần tăng cường hợp tác và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn từ Hoa Kỳ và các nước phát triển, để tranh thủ sự ủng hộ và liên kết trong bối cảnh các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Trump.
Cùng với đó là đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ kinh doanh và công nghệ cao, để thu hút thêm đầu tư nước ngoài và tăng cường kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đa dạng hóa động lực tăng trưởng, không chỉ dựa vào xuất khẩu và thu hút FDI mà còn phát triển nội lực thông qua đổi mới sáng tạo và tự chủ của các thành phần kinh tế trong nước.
Trong khi đó, TTXVN nêu lập trường của ông Thomas Nguyễn, Giám đốc Thị trường Toàn cầu của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, Việt Nam khả năng sẽ đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn.
Vị chuyên gia nhận định, đầu tiên là vấn đề thuế quan và lạm phát. Cụ thể, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu sẽ gây áp lực lên lạm phát ở Mỹ, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiếp theo là mức độ cạnh tranh, trong đó Việt Nam có thể đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các quốc gia khác trong việc xuất khẩu sang Mỹ.
Thomas Nguyễn nói: “Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, các quốc gia cần chủ động thích ứng thay vì thụ động đối phó. Không nằm ngoại lệ, Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau”.
Phân mảnh
Về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, theo TS. Việt, thời gian tới sẽ có thể gây ra sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và suy giảm cả sản xuất lẫn tiêu dùng toàn cầu, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu và động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Vị chuyên gia phân tích, ngoài tác động trực tiếp về kinh tế, còn có nguy cơ dẫn đến xu hướng phi tự do hóa và suy giảm vai trò, ảnh hưởng của các tổ chức, thể chế toàn cầu.
“Điều này có thể gây ra xu hướng phân mảnh cả về địa chính trị lẫn kinh tế thế giới, trở thành rào cản lớn cho thương mại và tự do hóa dòng chảy đầu tư toàn cầu, ảnh hưởng đến Việt Nam”, - TS. Nguyễn Quốc Việt nói.
Ông Thomas Nguyễn lưu ý, tình hình hiện tại thì “trong nguy có cơ”. Cụ thể, các công ty đa quốc gia có thể dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế và điều này tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất.
“Việt Nam có thể tham gia ‘cuộc chơi’ với các nhà đầu tư trên thế giới. Tuần trước, tôi đọc được một khảo sát từ Nhật Bản cho thấy có khoảng 800 các nhà sản xuất và công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc, trong đó khoảng 200 công ty đã chuyển sang Việt Nam”, - chuyên gia Thomas Nguyễn nhấn mạnh.
Nhà phân tích này khẳng định, hiện Việt Nam có rất nhiều dư địa cho phát triển và sản xuất trong nước. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy Việt Nam với những cơ hội. Đây là một tiềm năng, một lợi thế để phát triển quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
“Trong bối cảnh mới, Việt Nam còn có thể khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong khu vực, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế”, - chuyên gia Thomas Nguyễn nhấn mạnh.
Thận trọng
Kinh tế trưởng tại Huatai Securities (Mỹ) Eva Huan Yi cho rằng, Trung Quốc khả năng sẽ có những phản ứng thích ứng với chính sách thương mại của Hoa Kỳ, do đó Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội từ những thay đổi này.
Dù nhìn nhận việc kim ngạch xuất khẩu có thể tăng nhờ sự dịch chuyển sản xuất và nhu cầu từ Mỹ là một yếu tố có lợi cho Việt Nam nhưng theo bà Eva Huan Yi, Chính phủ cũng cần thận trọng với việc Trung Quốc tránh thuế và cạnh tranh từ các quốc gia khác.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và nội các mới dự báo sẽ có những tác động rất to lớn, thậm chí là thay đổi đảo chiều đến tình hình chính trị, kinh tế, tài chính trên thế giới và khu vực.
Do đó, việc thực hiện cân bằng thương mại và cùng có lợi ngày càng trở nên cấp bách.
“Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các nỗ lực trong thực hiện cam kết về mở cửa thị trường, đẩy nhanh giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, thể hiện cam kết của Việt Nam trong duy trì quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước”, - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ bày tỏ.