Chính quyền Trump lại phàn nàn về Việt Nam, Hà Nội có thể thành mục tiêu

© Fotolia / Michalis PalisThành phố Hà Nội
Thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.02.2025
Đăng ký
Jamieson Greer, ứng cử viên của Tổng thống Donald Trump cho vị trí Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho rằng thâm hụt thương mại là một “vấn đề lớn”, đồng thời nhắc đến Việt Nam, nơi đang có rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan cao.
Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của chính quyền Mỹ dù Trump từ khi nhậm chức đến nay chưa nhắc tới Hà Nội. Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam đã tăng 18% trong năm 2024, nhất là khi nhiều công ty Trung Quốc đã đổi hướng chuyển hàng qua Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế.
Theo ông Jamieson Greer, thuế quan phổ quát cần được nghiên cứu thêm để đánh giá tác động đối với tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ với nhiều đối tác kinh tế, đồng thời cảnh báo các quốc gia rằng họ phải giảm rào cản nhập khẩu nếu muốn duy trì quyền tiếp cận thị trường Mỹ.

Mỹ rất quan ngại về thâm hụt thương mại lớn

Theo Reuters, tại phiên điều trần xác nhận trước Thượng viện Hoa Kỳ, Greer cho biết lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Trump về việc áp thuế phổ quát ít nhất 10% sẽ được xem xét theo một bản ghi nhớ thương mại vào ngày nhậm chức, trong đó yêu cầu báo cáo trước ngày 1 tháng 4.
“Một phần của câu hỏi là chúng ta muốn mức thâm hụt thương mại lớn đến đâu, vì thâm hụt thương mại phần lớn đại diện cho các công việc sản xuất đã bị chuyển ra nước ngoài”, - Greer giải trình trước Ủy ban Tài chính Thượng viện.
Ông nói rằng nghiên cứu này cũng sẽ xem xét tác động của tình trạng thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, vốn đã đạt mức kỷ lục 1,2 nghìn tỷ USD trong năm 2024 khi nhập khẩu tăng mạnh.
“Thuế quan phổ quát là điều cần được nghiên cứu và xem xét để xác định liệu nó có thể đảo ngược xu hướng thâm hụt và việc chuyển dịch việc làm ra nước ngoài hay không”, - Greer, một luật sư thương mại tại Washington, người từng là Chánh văn phòng của cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, cho biết.
Thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.02.2025
Thặng dư với Mỹ cao kỷ lục, Việt Nam lo vào tầm ngắm của Trump
Cũng giống như Lighthizer, Greer muốn thúc đẩy việc giảm thâm hụt thương mại và đảm bảo đối tác thương mại đối xử công bằng với Hoa Kỳ.

Vấn đề lớn và lời phàn nàn về Việt Nam

Ông cho biết một vấn đề “rất lớn” là thâm hụt thương mại đang gia tăng với một số quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, nơi có các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan cao.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng 18% vào năm ngoái, lên mức 123,5 tỷ USD, theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, một phần do các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Sau khi tái đắc cử, ông Trump đã đề cập ông sẽ đánh thuế lên hàng hóa của nhiều quốc gia, nhưng chưa nhắc cụ thể đến Việt Nam.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.01.2025
Tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio “ve vãn” Việt Nam
Trong bối cảnh Nhà Trắng đánh thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc, đe dọa đánh thuế 25% lên hàng hóa Canada và Mexico, chuyên gia chính sách thương mại Deborah Elms của quỹ Hinrich cho rằng ông Trump "vẫn bị ám ảnh bởi thâm hụt thương mại", và Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo bị áp thuế.
Theo số liệu của Mỹ, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico về nguy cơ mất cân bằng thương mại với Mỹ.
Nếu được xác nhận vào vị trí này, Greer cho biết ông sẽ nhanh chóng đánh giá các hành vi thương mại không công bằng của các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Hoa Kỳ “và giải thích với họ rằng nếu họ muốn tiếp tục tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, chúng ta cần có sự đối ứng tốt hơn.”

“Fentanyl”

Khi được hỏi về các đe dọa áp thuế ban đầu của Trump đối với Canada và Mexico, cũng như mức thuế mới 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Greer cho biết mục tiêu của các biện pháp này là đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng chảy opioid chết người fentanyl vào Hoa Kỳ, cũng như giảm tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Trump đôi khi cũng nói rằng mục tiêu của ông là cắt giảm thâm hụt thương mại và tăng nguồn thu.
“Hành động mà tổng thống đang nói đến là về fentanyl”, - Greer nói. - “Chúng ta không muốn có thêm bất kỳ ca tử vong nào vì fentanyl nữa. Một kilogram fentanyl có thể giết chết 50.000 người theo một số ước tính. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra và cần đạt được thỏa thuận về vấn đề này.”

Thế đối đầu với Trung Quốc

Về mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Greer cho rằng cần phải cân bằng hơn, và điều này không chỉ đòi hỏi Trung Quốc giảm thuế quan mà còn phải cắt giảm các rào cản phi thuế quan.
Tổng thống Donald Trump tại Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.12.2024
Mỹ cần bớt o ép Việt Nam
Ông cho biết, theo chỉ đạo từ bản ghi nhớ thương mại của Trump, ông sẽ xem xét những cam kết mà Trung Quốc chưa tuân thủ trong thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” năm 2020 với Bắc Kinh.
Thỏa thuận này đã tạm dừng cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm và bao gồm cam kết của Trung Quốc trong việc tăng cường mua nông sản, năng lượng, hàng hóa sản xuất và dịch vụ của Hoa Kỳ.
“Từ đó, chúng ta tiến tới giải quyết tranh chấp và thực thi”, - Greer nói.
Ngoài mức thuế 10% mới được áp dụng trong tuần này, Trump cũng cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Greer cho biết Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) năm 2020 cũng cần được xem xét lại để đảm bảo rằng Trung Quốc và các quốc gia nước ngoài khác không “lợi dụng” thỏa thuận này để hưởng lợi từ việc tiếp cận miễn thuế vào Hoa Kỳ. USMCA sẽ được đàm phán lại vào năm 2026.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần buộc Mexico và Canada tuân thủ các cam kết tiếp cận thị trường theo USMCA, bao gồm các vấn đề về sản phẩm sữa với Canada và năng lượng với Mexico.
Greer cũng kêu gọi một cách tiếp cận quyết liệt hơn đối với thương mại kỹ thuật số để chống lại các nỗ lực quản lý của Hàn Quốc và Liên minh châu Âu đối với các công ty công nghệ Hoa Kỳ, sau khi chính quyền Biden năm ngoái từ bỏ yêu cầu lâu nay của WTO về tự do luân chuyển dữ liệu xuyên biên giới và cấm yêu cầu nội địa hóa dữ liệu.
“Chúng ta không nên để việc quản lý của mình bị quyết định bởi Liên minh châu Âu, Brazil hay bất kỳ ai khác, và họ không thể phân biệt đối xử với chúng ta – điều đó sẽ không được dung thứ”, - Greer nói.
Cảng Vladivostok - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.01.2025
Việt Nam đã chuẩn bị sẵn cách ứng phó với Trump

Tìm đường đi cho nông sản

Khi được một số thượng nghị sĩ hỏi về kế hoạch mở rộng thương mại nông nghiệp – lĩnh vực từng bị ảnh hưởng nặng nề trong các cuộc chiến thương mại trước đây của Trump – Greer nói rằng ông muốn mở rộng thị trường nước ngoài cho nông dân Hoa Kỳ, những người có tính cạnh tranh cao.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải tìm cách tiếp cận thị trường ở những nơi vẫn còn bị đóng cửa”, - ông nói, nhắc đến Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ như những thị trường cần phải mở cửa hoàn toàn cho hàng nông sản Hoa Kỳ.
Trong phần phát biểu mở đầu, Greer cho biết ông sẽ thúc đẩy một chính sách thương mại Hoa Kỳ thực dụng, tập trung vào việc tái thiết ngành sản xuất trong nước và củng cố chuỗi cung ứng.

“Nếu Hoa Kỳ không có một nền tảng sản xuất mạnh mẽ và một nền kinh tế đổi mới, thì chúng ta sẽ không có đủ sức mạnh cứng để ngăn chặn xung đột và bảo vệ người dân Mỹ”, - ông nói.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала