Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ của Việt Nam.
Kịch bản tăng trưởng 8% của Việt Nam
Chiều 10/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2025, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
Dù Việt Nam nỗ lực tăng trưởng nhanh nhưng theo Bộ trưởng, vẫn phải theo hướng bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đồng thời, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Về kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên).
Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
“Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về các động lực tăng trưởng, Bộ trưởng đề cập tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD).
Trong đó đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 nghìn tỷ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Ngoài ra, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng.
"Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP.HCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước", Bộ trưởng cũng đề cập cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.
Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Kế hoạch nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP, theo Bộ trưởng.
Đảm bảo an toàn nợ công
Trình bày báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ.
Đối với việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 lên 8%, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, điều này thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Tuy nhiên, với vai trò của cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp.
Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án.
“Đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công”, đại diện cơ quan thẩm tra nêu rõ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động vì chỉ tiêu này có mối tương quan chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, ông Thanh phản ánh ý kiến của Ủy ban Kinh tế, đề xuất này là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đề nghị Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công; quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung ý kiến của Kiểm toán nhà nước về nội dung này.
Lưu ý chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh một số giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên.
Trong đó đề nghị cần tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là mục tiêu nền tảng trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, để tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Tiếp đó là chú trọng củng cố quan hệ thương mại quốc tế, quan tâm khai thác sự dịch chuyển thương mại và công nghệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả như chính sách tài khóa phù hợp; chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, an sinh xã hội; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách, bội chi, nợ công trước mắt và trong dài hạn.
Tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là về quy trình, thủ tục đầu tư, quy hoạch và tiếp cận đất đai. Thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, thực chất, lan tỏa rộng rãi hơn.
Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm thực chất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Không để việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, cơ quan thẩm tra nêu rõ.
Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi, cũng là giải pháp được nêu tại báo cáo thẩm tra.
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng lưu ý, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng với các địa phương thì cần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, trong có giải pháp cho doanh nghiệp ở khu vực.
Ông cũng tán thành việc lựa chọn lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng nhưng đề nghị các chính sách ưu đãi nhất cho lĩnh vực này cần được vận hành ngay.
Bàn thêm về nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý phải xem cần tập trung vào vấn đề gì và nên rà soát “điểm nghẽn” pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Điển hình như Luật Lâm nghiệp, ông Trần Quang Phương nêu quan điểm, nếu không sửa nhanh thì còn ách tắc, từ quy hoạch, đất đai đến khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Ông cho rằng, quy hoạch rừng do ngày xưa làm kiểu "vung tay" nên chồng lấn rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng sản xuất. Nhiều nơi có rừng quan ngại vì không phát triển được.
“Đụng đâu cũng rừng phòng hộ, đầu nguồn nhưng thực tế không còn. Rồi đất nông lâm trường vướng lắm, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, miền núi. Ngoài ra, sửa luật cũng giải quyết được câu chuyện kinh tế dưới tán rừng, tín chỉ carbon”, ông Trần Quang Phương đề nghị sửa ngay luật này.
Tương tự, về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cho biết Quốc hội có cơ chế đặc thù nhưng Chính phủ, bộ ngành chưa có hướng dẫn chuyển nguồn nên địa phương không thực hiện được.
“Đây cũng là điểm cần tháo gỡ thì mới đẩy nhanh tiến độ được”, ông lưu ý.
Sau thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định đề xuất của Chính phủ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 tới đây.