Cụ thể, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ. Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ sau sắp xếp, tinh gọn.
Số lượng các bộ hiện đã giảm còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 Bộ trưởng, 3 Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Thủ tướng sẽ trình Quốc hội cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ
Như đã lên kế hoạch, ngày mai, Quốc hội Việt Nam sẽ triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 9 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng.
Theo thông cáo được Văn phòng Quốc hội phát đi, kỳ họp bất thường này sẽ diễn ra từ ngày 12 - 19/2 (làm việc cả ngày Thứ Bảy, chỉ nghỉ Chủ Nhật, ngày 16/2).
Quốc hội Việt Nam sẽ dành nhiều thời gian để xem xét, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng liên quan công tác nhân sự và sắp xếp tổ chức bộ máy.
Phiên khai mạc sẽ diễn ra vào 8h ngày 12/2. Sau khi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và thẩm tra Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Chính phủ.
Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ nghe đại diện Chính phủ trình bày tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Sau khi nghe thẩm tra các tờ trình liên quan, Quốc hội sẽ thảo luận tại đoàn về những nội dung quan trọng này.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận về Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15.
Trước đó, theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, cơ cấu tổ chức của Chính phủ của Việt Nam sẽ chỉ gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.
Bộ máy Chính phủ hiện có 27 thành viên gồm: Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, trưởng ngành. Sau tinh gọn, bộ máy Chính phủ cũng giảm tương ứng với số đầu mối đã giảm, gồm giảm 5 bộ trưởng, 3 thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, 13 tổng cục trưởng, 519 cục trưởng, 219 vụ trưởng và 3.303 chi cục trưởng…
Như Sputnik cũng đã đưa tin, tại Nghị quyết số 27 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 vừa qua, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới. Phải hoàn thành trước 15/2 để bảo đảm bộ máy đi vào hoạt động từ 1/3.
Về phần Quốc hội, dự kiến các cơ quan của Quốc hội sẽ gồm Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.
Hiện tại, các cơ quan của Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban gồm: Ủy ban pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính Ngân sách; Ủy ban Quốc phòng An ninh; Ủy ban Văn hoá Giáo dục; Ủy ban Xã hội; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Đối ngoại. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan của Quốc hội giảm 2 ủy ban.
Quốc hội họp về nhân sự
Một nội dung quan trọng khác trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 là Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự. Theo đó, Quốc hội sẽ bố trí nội dung này vào ngày 18/2.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ nghe về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Quốc hội Việt Nam cũng sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sau sự thống nhất của Trung ương, Quốc hội, tại kỳ họp bất thường này, Việt Nam cũng sẽ xem xét các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Ngoài ra, các phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng sẽ được đề cập và thông qua.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ biểu quyết các nội dung quan trọng đã nêu. Dự kiến từ 10h30 ngày 19/2, Quốc hội khoá XV họp phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, ngay sau kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ tiến hành sắp xếp nhân sự ở các cơ quan, đơn vị của Quốc hội; giải quyết chính sách sau khi sắp xếp; lựa chọn nhân sự, cán bộ của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, đó là chọn người tài, người tinh hoa, làm việc thực chất.
Sẽ miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ
Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác tháng 2 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cùng các Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng yêu cầu hoàn thiện báo cáo sơ kết công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Chính phủ giai đoạn 2023-2025; xây dựng báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo quy định.
Ngay trong tháng 2 cần tham mưu phương án rà soát, đánh giá công chức, viên chức thuộc Bộ để thực hiện giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo quy định.
“Các đơn vị tập cần trung cao độ tham mưu cho Chính phủ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý.
Trong đó, tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18 của Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Chính phủ ban hành những nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp.
Hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo không bị gián đoạn, bỏ sót công việc (xong trước ngày 10/2 để đi vào hoạt động từ ngày 1/3) theo các chỉ đạo trước đó.